Kết thúc cuộc đời ( lịch sử đức Mục Kiền Liên )
Đăng ngày: 04/05/2014 01:231. Ðức Phật đã nhập diệt một cách siêu phàm với đông đủ Tỳ Khưu Tăng vây quanh. Ðức Thế Tôn đã nhập sâu vào Ðại Ðịnh và trút hơi thở cuối cùng.
2. Trưởng Lão Sàrìputta (Xá Lợi Phất) biết trước ngày giờ viên tịch, vội trở lại quê hương cùng với một số đồ đệ thân cận. Sàrìputta chọn một khung cảnh vô cùng trang nghiêm, để vừa tiếp độ mẹ già vừa viên tịch. Ấy là căn phòng ngày xưa Ngài đã chào đời. Tuy trước khi nhắm mắt Sàrìputta bị bệnh nặng, nhưng vị Thánh Tăng này đã nhập Niết Bàn một cách rất siêu thoát, có cả chư Thiên đến thăm vào phút chót.
3. Tôn Giả A Nan Đa (Ananda) hưởng thọ đến một 120 tuổi mới từ giã cõi đời. Ông có lẽ là người sống lâu nhất trong các hàng Thinh Văn đệ tử Phật. Vì A Nan Đa là vị Thánh Tăng rất thuần thục trong thiền định, lấy lửa làm đề mục, nên trước khi viên tịch, A Nan Đa chợt có tâm niệm rằng "Ta sẽ không để cho bất cứ ai bận rộn trong việc hỏa táng xác thân phàm tục này!". Sau đó A Nan Đa nhập thiền vào đề mục lửa rồi viên tịch luôn. Xác thân Ngài tự nhiên bốc cháy và biến thành hỏa táng.
Trước ba cảnh nhập Niết Bàn đầy siêu thoát và ý nghĩa đó, ai cũng tưởng rằng Thánh Tăng Mahà Moggallàna (Đại Mục Kiền Liên) sẽ nhập diệt một cách kỳ diệu, nhất là vị Thánh Tăng này lại là bậc thượng thừa của các loại thần thông.
Nhưng Mahà Moggallàna (Đại Mục Kiền Liên) đã chấm dứt cuộc đời một cách rất đáng thương, rất cảm động (nếu không muốn nói là ghê rợn). Và chỉ có những bậc Thánh Nhân từ tâm cao ngất, viên tròn như Ngài, mới có thể viên tịch bằng một cái chết “thảm khốc” như thế !
Mahà Moggallàna nhập diệt nửa tháng sau Trưởng Lão Sàrìputta (Xá Lợi Phất). Nghĩa là vào ngày trăng non (mồng một) sau tháng Kattika (khoảng giữa hai tháng 10 và 11 Dương lịch). Lúc ấy nhằm mùa thu, lá vàng rơi đầy…tiễn đưa Ngài giã từ "biển khổ".
Ðêm Phật nhập Niết Bàn là đêm trăng tròn tháng Vesakha (nhằm tháng 5 Dương lịch), tức là nữa năm sau hai vị Ðại Đệ Tử viên tịch. Phật hưởng thọ 80 tuổi, trong khi cả Sàrìputta lẫn Mahà Moggallàna đã từ trần năm thứ 84 của kiếp chót.
Sau đây là những biến cố đáng thương trong cái chết của Mahà Moggallàna (Đại Mục Kiền Liên):
Lúc ấy Nigantha Nàthaputta (Ni kiền tử), Giáo chủ đạo Lõa Thể (Jains, Jinas), mà trong kinh điển Pàli gọi là Niganthasàsana (Ni kiền giáo) cũng vừa qua đời.
Có sự tranh luận, xét lại giáo lý của Ni Kiền Tử bỗng xuất hiện trong hàng ngũ những đạo sĩ tu theo môn phái này. Kết quả Ni Kiền Giáo (hay còn gọi là đạo Lõa Thể) đã bị mất một số tín đồ và cảm tình viên khá đông, khiến cho các đạo sĩ cầm đầu đâm ra tức giận.
Nhiều sư trưởng đạo Lõa Thể còn nghe đồn rằng: Ðại đức Mahà Moggallàna, sau những chuyến Thiên Du (lên trời thuyết pháp rồi trở về) đã tiết lộ rằng: Hầu hết tín đồ Phật Giáo đều được sanh lên cõi trên, nhưng rất hiếm những kẻ tu theo đạo khác được hường hạnh phúc ấy. Trái lại, họ còn bị đoạ vào cảnh khổ và tái sinh thành nhiều sinh vật thấp hơn loài người.
Ðây có lẽ là tin đồn thất thiệt, nhưng là một trong những lý do khiến cho các đạo khác, kể cả đạo Lõa Thể (Ni Kiền Giáo) bị sút giảm hậu thuẫn. Ðặc biệt, một “chi giáo” cuồng tín của đạo Lõa Thể ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha), đã trở nên hiềm khích, giận dữ trước sự mất danh tiếng, càng lúc càng trầm trọng ấy, nên họ chủ tâm tiêu diệt Ðại đức Mahà Moggallàna.
Những đạo sĩ cuồng tín Ni Kiền Giáo ấy, không chịu điều tra rõ nguyên nhân suy đồi của môn phái mình. Họ chỉ biết âm mưu phỉ báng, và trút hết oán hận lên đầu Ðại đức Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna). Nhiều lần họ mưu tâm ám sát vị Thánh Tăng nầy, nhưng đều thất bại. Về sau, họ phải mướn bọn cướp làm việc đó.
Thuở xưa cũng có bọn chuyên đâm thuê chém mướn, sẵn sàng làm việc đó, nếu được trả nhiều tiền, như ngày nay. Họ là những kẻ vô cùng tham lam và hung bạo. Ðối với họ chỉ có tiền là "cao quí" nhất, nên họ bất chấp việc giết chết bất kể người nào, dù cho nạn nhân là một Thánh Nhân. Do đó, một số đạo sĩ cuồng tín Ni Kiền Giáo (Ðạo Lõa Thể) đã tìm mướn họ đi giết Thánh Tăng Mahà Moggallàna.
Khi ấy, Mahà Moggallàna đang ẩn tu một mình trong tịnh cốc vắng, ven rừng Kàlasikà, thuộc vương quốc Ma Kiệt Ðà. Sau khi đã cảm thắng Ma Vương (như đã thuật trong đoạn trước). Mahà Moggallàna biết rằng "đoạn chót của đời mình" sắp đến. Một vị Thánh Tăng khi đã được hưởng "hương vị" giải thoát, hằng thấy rằng "xác thân phàm tục này chỉ là một chướng ngại hay một gánh nặng mà thôi!".
Do đó, Mahà Moggallàna đã không một chút mảy may nghĩ đến việc dùng thần thông để được sống trường thọ. Ngược lại, khi Mahà Moggallàna thấy bọn giết mướn lại gần, Ngài chỉ nghĩ "Ta không nỡ để cho các kẻ ấy phạm trọng tội!".Thế là toàn thân Ngài tự nhiên biến mất (do thần thông của một đại cao thủ A La Hán đầy lòng từ bi phát tác, chứ không phải do sự sợ sệt hay vì lòng tham sống mà ra).
Bọn sát nhân (có sách gọi là bọn cướp) xông vào tịnh cốc, không tìm thấy một ai, chúng lục lạo khắp nơi, nhưng vẫn không tìm thấy mục tiêu, bèn thất vọng ra về. Ngày hôm sau, chúng trở lại, và cũng rơi vào tình trạng bất toại nguyện như trước.
-Nghĩa là từ xa chúng thấy Ðại Đức Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna) thấp thoáng ngồi đó, nhưng khi đến gần, chúng chẳng tìm ra Ðại Đức đâu cả, mặc dù càng lúc chúng càng kéo đồng bọn đông hơn, và lục soát kỹ hơn. Chúng cũng khôn ngoan cho bộ hạ mai phục, rình rập xung quanh tịnh cốc, để phát giác sự xuất hiện của Ðại Đức Mahà Moggallàna, rồi vẫn không có kết quả.
Sáu ngày liên tiếp như thế, sáu lần bọn cướp xông vào hãm hại Thánh Tăng Mahà Moggallàna, và sáu lần Mahà Moggallàna vì lòng từ bi, chỉ một niệm "không muốn kẻ ngu muội phạm trọng tội" thân thể Ngài liền biến mất một cách như nhau.
Ðộng lực của thần thông vốn không phải là để bảo vệ xác thân ô trược này, mà để cứu độ những tâm hồn hung bạo. Nhưng tiếc thay thần thông ấy, của một vị Ðại Tôn Túc A La Hán, đã không cảnh tỉnh được bọn người tội lỗi, nên qua ngày thứ bảy, Ðại đức Mahà Moggallàna đã quán xét bằng Tha Tâm Thông, thấy rằng "bọn cướp vì tham tiền quá độ, sẽ không bao giờ từ bỏ hành động sát nhân ấy".
Trong khi Ðại đức Mahà Moggallàna sử dụng Tha Tâm Thông như thế, thì "Di Thân Thần Công" của Ngài tự nhiên biến mất, xác thịt Ngài bất thần hiện ra như cũ, ngồi yên trong tịnh cốc.
Thì ra, ác quả của một hành động tội lỗi xa xưa (khi tiền kiếp nọ, Mahà Moggallàna vì sợ vợ, đã nhu nhược đem cha mẹ bỏ vào rừng hoang, đói khát cho đến chết) nay ác quả đang đuổi kịp. Ðại đức Mahà Moggallàna phải trả xong ác quả ấy thì công hạnh mới hoàn toàn! Giống như đức Phật và Sàrìputta, trước khi nhập Niết Bàn đã trải qua một cơn bệnh, vì mang xác thân “ngũ uẩn” vậy!
Bọn sát nhân tiến vào tịnh cốc, thấy vị Thánh Tăng hiền hòa ngồi đó liền đâm chết, rồi muốn chắc ăn, chúng bầm nát tay chân một cách tàn nhẫn, biến người thành một khối thịt vụn, bất động.
Khi biết chắc nạn nhân chỉ còn là một thây ma, không cách nào sống lại, và phe mình sắp được lãnh tiền trả công, bọn sát nhân vội vàng bỏ đi, không thèm quay lại.
Nhưng Ðại đức Mahà Moggallàna là một Thánh Tăng đại cao thủ thần thông, người không thể nhập Niết Bàn trong tình trạng như thế. Mahà Moggallàna trong khi bị đâm chém đã hoàn toàn nhập định, nên mọi đau đớn không chi phối được Ngài. Bây giờ, Ngài chỉ vận dụng thiền lực tập trung sức mạnh tinh thần, điều hợp với thể chất, rồi tái hiện thành một Sa Môn như cũ.
Mahà Moggallàna cố gắng đem tấm thân xương thịt đầy thương tích, đến yết kiến đức Phật lần chót. Khi hiện diện trước mặt Đức Bổn Sư, Ngài từ từ đi xung quanh Phật 3 vòng, rồi chắp tay xá, trước khi ngồi xuống, yên lặng nhập Niết Bàn, biến địa điểm gặp gỡ lần cuối của Ngài và đức Phật, thành một khung cảnh vô cùng ảm đạm và thánh thiện (Theo Jàtaka 522E).
Tư cách từ bi đối với những kẻ ác tìm kiếm hạ sát mình, và phẩm hạnh giải thoát, mà vị Thánh Tăng này đã đạt được từ khi Ngài chứng bậc A La Hán, quả thật đã không rời Ngài cho đến phút chót. Phẩm hạnh ấy đã gói trọn trong bảy ngày sống sau cùng của Mahà Moggallàna. Bảy ngày quá khắc nghiệt của định luật nhân quả và tràn trề lòng Từ Bi của một bậc Thánh. Một khoảng thời gian tàn khốc của kiếp sống đầy đe dọa, chỉ có những bậc đã dứt trừ phiền não, và không còn dục vọng, mới có thể trải qua một cách dễ dàng!
Nghiệp tạo tác trong quá khứ phải trổ quả trong hiện tại, là một điều tự nhiên. Người phàm hay Thánh Nhân chỉ khác nhau ở cách đón nhận cái quả ấy. Nếu phàm tục đón nhận hậu quả một cách si mê, thì Thánh Nhân nhìn thấy hậu quả một cách sáng suốt thanh tịnh.
Thánh Tăng A La Hán Mahà Moggallàna không còn là một chúng sanh vướng chặt trong thế giới vô thường, thì "quỷ vô thường" dù có hoành hành trong kiếp chót, cũng không thể nào ngăn cản Ngài bước vào con đường giải thoát một cách cao thượng !
Ðoạn chót của quyển sách nhỏ bé này, nói về cuộc đời của Ðại đức Mahà Moggallàna, còn cho chúng ta một ý nghĩa khác. Ðó là sức mạnh của Nghiệp Quả, một sức mạnh tự nhiên, không ai làm chủ, cũng không có một thần thông nào thay đổi nó được.
Ðối với một đấng Toàn Giác, sức mạnh của "nghiệp oan trái" tuy không có hiệu lực trong kiếp chót, nhưng vẫn trổ quả đầy đủ trong một đời sống trước kiếp chót. Trường hợp đặc biệt của một vị "Bồ Tát tu hành tinh tấn" nếu đắc được Chánh Ðẳng Chánh Giác trước kiếp chót, rồi viên tịch luôn, thì sức mạnh của nghiệp oan trái may không thể theo kịp, và trở nên vô hiệu, chứ không phải là không có !
Sau khi Mahà Moggallàna và Sàrìputta tịch diệt rồi, đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở đến hai vị Ðại Đệ Tử này trước cộng đồng Tăng chúng, như hai "bảo vật" đã mất.
Câu mà đức Phật thường tán dương hai vị Ðại Đệ Tử, là "Một đôi Thánh nhân kỳ diệu, thần thông, lỗi lạc và duyên phúc vẹn toàn!"
Nhưng điều kỳ diệu hơn hết, phải nói là đức Phật đã nhìn đôi đệ tử "quí báu nhất thế gian" ra đi (nhập Niết Bàn), bằng một thái độ giải thoát. Thái độ chỉ có đấng Thiên Nhân Sư mới có thể đạt đến !
Vì vậy, chúng ta là những Phật tử, đọc lịch sử và sự viên tịch của hai vị Thánh Tăng này, chúng ta học được gì ? -Phải chăng chúng ta cần nương nhờ nơi chúng ta? Chúng ta chính là "hòn đảo duy nhất" của chúng ta, trong cái biển luân hồi mênh mông vô tận. -Chớ tìm kiếm một "tha lực" nào khác!
Chân lý mà chúng ta học được ở Đức Phật, là ngọn đèn bất diệt trên cái "hòn đảo" ấy. Nếu đèn thế gian thường soi sáng nhiều hướng, thì đèn chân lý cũng soi rõ bốn căn gốc phiền não: Ấy là phiền não trong thân (Sắc), phiền não trong cảm giác, Thọ, phiền não trong tâm (Tưởng, Thức) và phiền não trong pháp (Hành).
Người nào nhận diện được phiền não trong bốn nền tảng Thân, Thọ, Tâm, Pháp như thế, gọi là người đã hiểu đúng lời Phật dạy, đã biết rõ mình là "ai", và chỉ bị luân hồi bằng cái gì (-bằng ngũ uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức), người ấy chắc chắn sẽ bước chân vào Bát Chánh Đạo, con đường giải thoát!
Nói cách khác là người tu Phật, ngoài việc cố gắng gìn giữ giới hạnh cho được trong sạch, cần phải liên tục thực hành phép tu tâm trong chánh thiền (an trụ và quán xét) để lúc nào người Phật tử cũng sống trong "sự biết mình"(Satisampajañña) và với một tâm hồn tự tại.
Nếu Bát Chánh Ðạo (Atthangika Magga) là “con đường” chúng ta phải đi, thì Giới Ðức (Sìla) là "sinh hoạt" chúng ta phải thực hiện, Thiền Ðịnh (Samàdhi) là "thực phẩm" chúng ta phải “ăn”, và Tứ Niệm Xứ (Catu Satipatthàna) là "ngọn đèn" chúng ta phải thắp, để vượt qua khỏi cái biển khổ tử sanh luân hồi vậy.
Ngày 3 tháng 3, 1988
Nguyễn Ðiều
| ||||||||
|