Thống kê truy cập

Số lượt truy cập: 2.845.843
Tổng số Thành viên: 53
Số người đang xem:  7

Thời niên thiếu

Đăng ngày: 04/05/2014 00:20
.

Trong một ngôi làng nhỏ, gần thủ đô vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha), nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Ðộ, thuở xưa có một đứa bé chào đời, đặt tên là Kolita Moggallàna. Ðứa bé ấy này sau là Ðại đức Mục Kiền Liên (Mahà Moggallàna).

Kolita Moggallàna thuộc giòng giõi Mudgala, tức là "Thiên văn gia". Theo ngữ căn thì danh từ Moggalàna phát nguồn từ chữ Mudgala, một giòng dõi chuyên nghiên cứu Thiên Văn học rất cổ.

Ngôi làng của Kolita không có nhiều dân nghèo, mà hầu như chỉ dành cho những đại gia tộc Bà La Môn cư ngụ. Thân sinh Kolita vốn là con một họ giòng danh giá, và thời bấy giờ, đa số các chức sắc cao cấp trong làng thuộc giòng họ này.

Là công tử xuất thân từ giai cấp "cao quý", và thuộc giòng dõi được mọi người tôn kính, phụ thân của Kolita thuở ấy chẳng khác nào một Tiểu vương.

Bởi thế, Kolita lớn lên trong một khung cảnh sang trọng không thiếu thốn bất cứ món gì. Cậu bé Kolita ấy đã được giáo dục hoàn toàn theo truyền thống Bà La Môn giáo, một truyền thống căn cứ vào luật “thưởng phạt của thần linh”, dựa trên tất cả những hành động đầy tín ngưỡng. Dĩ nhiên là truyền thống giáo dục nầy đề cao sự tin tưởng rằng : Một đời sống hằng ngày, muốn được bình an hạnh phúc, phải làm tròn những nghi thức tế lễ cúng bái.

Gia đình Kolita có một mối thâm giao đặc biệt với một gia đình Bà La Môn khác, ở ngôi làng bên cạnh. Vào ngày Kolita chào đời, gia đình Bà La Môn kia cũng đón mừng sự đản sanh một đứa bé trai khác, đặt tên là Upatissa (sau này là Ngài Xá Lợi Phất).

Cả hai cậu bé lúc khôn lớn đã trở thành đôi bạn rất thân, không ai có thể tách rời chúng được. Làm bất cứ việc gì, cả hai cũng đồng tình với nhau, khi vui chơi cũng như khi buồn chán. Người ta thấy cậu bé Kolita ở đâu, là cũng thấy cậu bé Upatissa ở đó. Tình bạn của đôi thiếu niên kia, không những chỉ bền chắc thuở thiếu thời, mà còn kéo dài đến trọn đời, khi cả hai ngoài tám mươi tuổi.

Ðặc điểm là đôi bạn ấy chẳng bao giờ bất đồng ý kiến, cũng chẳng bao giờ có một sự hiềm khích lẫn nhau, dù là nhỏ nhất, ngay cả trong trường hợp gặp chuyện khó xử hay bất bình.

Tuy nhiên, tính tình hai cậu bé khác hẳn nhau. Trong khi Upatissa là một người cởi mở, xông xáo, mạnh dạn và tháo vát, thì Kolita lại là một thanh niên rất bảo thủ, và chỉ biết gìn giữ, phát triển những gì đã có. Vả lại, vị trí của đôi bạn trẻ trong gia đình cũng hoàn toàn chênh lệch. Kolita là con cả và cũng là con một, thì Upatissa lại có ba người anh và ba người chị. Nhưng tình bạn đôi thanh niên này rất sâu đậm, đến độ mà cả hai dường như không nghĩ đến nữ giới, mặc dù với tuổi thanh xuân đầy nhựa sống, và không thiếu hụt một món gì.

Mỗi thanh niên có một số thuộc hạ, để tùy tùng vui chơi, học hỏi và rèn luyện thể xác cũng như tinh thần. Khi thưởng ngoạn và thể thao trên những dòng sông, thì nhóm Kolita cỡi ngựa, và nhóm Upatissa dùng kiệu (một loại ghế có người khiêng). Nghĩa là hai thanh niên ấy, cũng không tránh khỏi cái thời thanh niên, đắm chìm trong hưởng thụ sang giàu, đầy khoái lạc.

Tại Vương Xá thành (Rajagaha), thủ đô xứ Ma Kiệt Ðà (Magadha) hằng năm có một kỳ hội rất linh đình, gọi là "Hội Sơn Thần", trước tế lễ thần núi, sau để dân chúng có một dịp liên hoan vui chơi. Dĩ nhiên đôi thanh niên công tử này c ũng được mời tham dự.

Ban tổ chức đã dành cho họ hai chỗ ngồi danh dự, ưu thế nhất, từ đó Kolita và Upatissa có thể mục kích dễ dàng toàn bộ khung cảnh trình diễn. Ðôi thanh niên đã cười vang, trước các màn thích thú, và cùng khích động trước những hồi gay cấn. Khả năng diễn xuất của các tài tử quả đã làm cho cả hai say mê, say mê đến độ mà họ không bỏ qua, nhận lời đến thưởng thức tiếp các ngày hội chợ thứ hai, rồi thứ ba....

Nhưng trong ngày hôm sau, khi văn nghệ chuyển sang những bi kịch tử biệt sinh ly giữa cuộc đời, và huyền thoại cứu rỗi, đôi bạn bất thần không tìm thấy cao điểm hứng thú nữa. Mặc dù đã nghe xướng ngôn viên hùng hồn tuyên bố chương trình hấp dẫn của ngày kế, họ vẫn không cảm thấy vui tươi.

Và suốt đêm thứ hai ấy, đôi bạn Kolita và Upatissa đã trằn trọc, không an giấc. Những hình ảnh trong hai ngày lễ hội qua, cứ ám ảnh đôi thanh niên. Trong khi thao thức, Kolita đã suy nghĩ "Các cảnh tượng mà ta đã nhìn trên sân khấu, sẽ cho ta bài học nào? Có gì xứng đáng để cho ta ngồi xem ? Cứ tiêu khiển như thế, ta sẽ thu thập được gì, hay chỉ một thời gian nữa, ngay những tài tử đầy quyến rũ kia sẽ già yếu, trở thành chính những nhân vật trong bi kịch, mà họ đã đóng. Rồi cái chết sẽ đến, bắt họ từ giã cõi đời, và tiếp tục cuộc hành trình sanh diệt bất tận, do lòng tham và khát vọng của họ chủ động? -Và chúng ta cũng thế! Những tài tử này không giúp nổi chính họ giải quyết vấn đề sinh tử, thì hòng gì họ có thể thức tỉnh được ai, tìm ra con đường giải thoát? Xem ra mọi người đang phí uổng thời gian, thay vì phải tìm ra con đường cứu độ!".

Upatissa cũng thế, sau ngày hội chợ thứ hai về, đêm ấy chàng không tài nào nhắm mắt được. Những ý tưởng tương tự như Kolita cũng đến với chàng. Upatissa suy tư rất nhiều về những bí ẩn và huyền thoại, được mô tả trong bi kịch, có liên quan đến cái thực tế sinh lão bệnh tử (luân hồi). Và những thú vui giả tạo kia, chỉ luôn luôn che kín bản chất khổ đau, bằng cách ngụy trang cho cuộc đời hiện tại, bằng những cảnh kích thích người ta hưởng thụ, hơn là giúp con người thức tỉnh, quan tâm đến chính mình sẽ ra sao trong tương lai, nơi một kiếp sống khác ? Upatissa tự đặt câu hỏi "Phải chăng sự vui thú giả tạo này là nguyên nhân làm cho mọi người không nhận ra ảo ảnh, và tăm tối trước sự thật?".

Vào sáng ngày thứ ba, khi cả hai đến dự cuộc lễ, Kolita liền nhìn Upatissa, hỏi :

- Bạn chắc có điều gì bận tâm? Sao bạn không vui vẻ như trước ?

Upatissa thành thật trả lời:

- Tôi tự hỏi các khoái lạc trong âm thanh và cảnh sắc kia có ích lợi gì ? Những thứ ấy quả thật vô nghĩa và không giá trị. Ðiều đáng để tôi phải làm, là tìm kiếm một con đường siêu độ, thoát khỏi sự tàn phá khắc nghiệt của luật vô thường, tìm kiếm một giải pháp tháo bỏ những cố chấp, tin tưởng không thật về sự sống, một thứ kinh nghiệm đầy giả tạo, hằng đẩy nạn nhân của nó rơi vào trong sa đọa thăm thẳm, hay lăn mãi trên một vòng tròn luân hồi đau khổ. Ấy chính là điều đã lởn vởn trong đầu óc tôi và bắt tôi phải suy nghĩ. Nhưng còn bạn, này Kolita, bạn rõ ràng cũng đang băng khoăng môt cái gì, chứ không còn vui vẻ?

Kolita trả lời:

- Những điều bạn vừa bày tỏ, cũng chính là tâm sự của tôi. Tại sao chúng ta phải mất thì giờ ngồi đây, để chứng kiến những cảnh tượng bất lành giả tạo ? Tại sao chúng ta không mau mau tìm kiếm một con đường dẫn đến sự thanh khiết, và bình an !

Khi Upatissa nghe rõ sự thố lộ mối băn khoăng của người bạn thân, chàng rất vui mừng liền tán thành:

- Ðây là một ý nghĩ đáng quí, đã phát sanh đến chúng ta một cách sáng suốt, không có thành kiến nào chi phối ! Vậy thay vì chúng ta uổng phí một đời, để ràng buộc với những hưởng thụ vô ích, chúng ta thử dốc lòng tìm kiếm một giáo lý, giúp chúng ta nhận ra con đường giải thoát. Và để thực hiện, chúng ta phải xa lìa thân quyến và của cải, trở thành kẻ vô gia đình, đi hành hương khắp bốn phương trời, không chấp vào một cái gì cả, tự do thảnh thơi tìm Ðạo, như con chim ngàn cất cánh!

Kể từ đó đôi thanh niên ấy quyết định sống một cuộc đời làm đạo sĩ. -Giống như ngày nay chúng ta thấy một số tu sĩ du phương, trên khắp các nẻo đường nước Ấn Ðộ, để tìm kiếm một Tôn sư, một Guru (-tiếng Ấn Ðộ có nghĩa là bậc Thầy) để dắt dẫn mình tu theo môt sở nguyện nào đó....

Khi Kolita và Upatisa bày tỏ quyết định của mình đến những thuộc hạ tùy tùng, thì những thanh niên xu hướng đều chấp thuận, và họ hầu hết tham gia vào chuyến trường chinh tầm đạo ấy. Những thanh niên thuộc hạ của Kolita và Upatissa cũng thoát ly gia đình, tháo bỏ sợi dây giai cấp Bà La Môn (*), mà họ hằng đeo trên người, cắt tóc, cạo râu, rồi mặc vải sô màu đất, một thứ thường phục của những khất sĩ du phương. Tất cả cùng dẹp qua một bên, những biểu hiện phân biệt địa vị xã hội, và những đặc quyền của gia tộc Bà La Môn giáo, để bước vào cuộc đời vô giai cấp, của những đạo sĩ thoát tục, vượt lên trên các ranh giới thường tình.

Ghi chú :(*) Khi một đứa bé trong gia đình Bà La Môn ra đời, một giáo sĩ của đạo này, phải được mời đến, để làm lễ “thọ ký linh hồn” giai cấp Bà La Môn, và đeo lên mình đứa bé một “sợi dây giai cấp” mà nó phải mang đến trọn đời.





| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn