Phong thủy - Long Mạch huyệt mộ - phần 11

Đăng ngày: 09/07/2014 20:42
.

Số vải bà dệt được thường bán đi để nuôi sống gia đình, đồng thời bà cũng không quên để giành một phần cho chồng khi kỳ thi đến và sắm tết hàng năm cho gia đình trong dịp đón xuân sang. Nhiều tết bà để vải may quần áo cho con, cho chồng, còn phần mình bà chỉ mặc chiếc áo vá vai. 
Các cụ ở đây kể rằng: Kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ (1894), khi được tin ông Nguyễn Sinh Sắc đậu cử nhân về làng, bà Hoàng Thị Loan vẫn đang ở ngoài đồng cấy tiếp thửa ruộng vụ mười. Có người chạy ra tận ruộng báo tin mừng và mời bà về nhà chuẩn bị trầu nước đón chồng và bà con làng xóm đến mừng. 
Sau giây phút xúc động, bà từ tốn, nhẹ nhàng nói: “Đậu thì mừng, ông Nghè, ông Cống cũng sống về ăn”, rồi bà rốn lại cấy cho đến quá trưa, xong thửa ruộng mới trở về. 
Trước sự thành đạt của chồng, bà hết sức phấn chấn, song cũng hết sức trầm tĩnh. 
Học vị cử nhân của ông Nguyễn Sinh Sắc giành được trong khoa thi Hương năm Giáp Ngọ vừa là công lao dùi mài kinh sử, bền chí luyện rèn của ông trong 16 năm trời (1878-1894), vừa là kết quả lao động cần cù, chịu đựng gian lao vất vả, và là tình cảm sâu nặng của bà Hoàng Thị Loan đối với chồng con trong suốt 11 năm trời sống trên quê hương Chung Cự. 
Sau khi đỗ cử nhân, Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế lần đầu dự kỳ thi Hội năm Ất Vị (1895), nhưng không đậu, ông Sắc đủ tiêu chuẩn vào làm giám sinh trong Quốc Tử Giám để tu luyện văn chương, chờ kỳ thi Hội tới. 
Cuối năm 1895, hoàn cảnh gia đình của bà hết sức gieo neo: Em gái Hoàng Thị An đã đi lấy chồng, cụ Nguyễn Thị Kép tuổi đã ngoài sáu mươi. Tuy hết lòng thương yêu mẹ già và quyến luyến với quê hương xứ sở đã gắn bó với gia đình mình từ nhỏ đến lớn, nhưng với tấm lòng tha thiết muốn chồng tiếp tục học hành, đậu đạt cao hơn, bà đã gửi con gái đầu lòng mới 11 tuổi ở lại với mẹ già, rồi đưa con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi), gồng gánh theo chồng vào Huế để nuôi chồng, nuôi con, tạo điều kiện vật chất và tình cảm để chồng yên tâm học tập ở trường Quốc Tử Giám. 
Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua bao suối, bao đèo giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt trên đường vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh sắc. 

Bà cử nhân người Nghệ sống ở kinh đô Huế. 

Một ngày vào mùa Đông năm Ất Vị (1895), bà Hoàng Thị Loan cùng chồng và hai con trai đã vào tận kinh đô Huế. Nhờ bà con quen biết tận tình giúp đỡ, sau một thời gian ngắn gia đình bà đã thuê được một ngôi nhà nhỏ ở gần cửa Đông Ba (nay là số nhà 114 đường Mai Thúc Loan, Huế). 
Hình ảnh này đã được nhà thơ Thanh Tịnh viết trong tác phẩm “Đi từ giữa một mùa sen” như sau: 

“Vào kinh đô phố xá quen dần, 
Giấc mơ đêm lạnh mới lần đường ra. 
Ăn nhờ, ở trọ lân la, 
Mới thuê được một gian nhà hướng nam. 
Xế hiên một góc mai vàng, 
Trước sân dâm bụt một hàng rào thưa. 
Bên này nhà chú thợ cưa 
Bên kia nhà một viên thừa bộ binh. 
Dãy nhà lợp ngói bếp tranh 
Chênh vênh nhìn phía cổng thành Đông Ba” 

(Trích Thanh Tịnh – “Đi từ giữa một mùa sen” Ty Văn Hoá Thông Tin Nghệ An năm 1975-trang 21). 

Sau khi sắp xếp ổn định nơi ăn, chốn ở, bà Hoàng Thị Loan quyết định lấy nghề dệt vải truyền thống ở quê nhà làm nghề lao động chính để sinh sống. 
Bà là người khéo tay ở quê hương Chung Cự. Vải lụa bà dệt được nhân dân quanh vùng ưa dùng, nhưng bây giờ đối với thị hiếu của dân kinh thành Huế bà phải cố gắng hết sức mới cạnh tranh nổi kỹ thuật tiên tiến điêu luyện ở đất đế đô. 
Với tấm lòng cao đẹp của một người mẹ không muốn chịu để cho con mình quá thiếu thốn, với quyết tâm của một người vợ không muốn chồng phải ngưng học tập vì thiếu cơm áo, nên qua hơn 5 năm trời (1895-1901) khung cửi của bà luôn rộn tiếng thoi đưa. 
Cuộc sống vật chất của bà cử nhân người Nghệ ở Huế chủ yếu dựa vào những tấm vải do bà dệt thành. Có thể bằng lao động, bằng cả tấm lòng yêu chồng, thương con bà đã dệt nên cuộc đời, sự nghiệp đẹp đẽ của chồng và của những người con. Mặc dầu bà dồn hết tất cả tâm lực lao động, cuộc sống của gia đình vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Những tấm vải dệt được đều phải bán đi để nuôi chồng ăn học suốt ba năm trời ở trường Quốc Tử Giám (1895-1898) và trang trải cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của ba mẹ con. Cho nên ngay cả khi tết đến xuân về bà cũng không dành dụm được ít vải để may quần áo mới cho mình. 
Cảnh ngộ này được nhà thơ Thanh Tịnh viết tiếp trong tác phẩm 
“Đi từ giữa một mùa sen”: 

“Nhớ ra đã mấy năm trời 
Vải vừa dệt trọn lại rời đi xa. 
Phần đưa thay trả tiền nhà, 
Phần đem đổi gạo sống qua tháng ngày. 
Nồi cơm hai bữa chưa đầy, 
Bụng đâu còn rỗi lo may áo quần. 
Tết qua nhớ buổi sang xuân, 
Con quan lối phổ quây quần mấy nơi. 
Rộn ràng bày đủ trò chơi, 
Liên miên tràng pháo tiếng cười hoà vang. 
Lanh canh khánh bạc, nhạc vàng. 
Cườm giày rung sắc, tua khăn đủ màu. 
Con mình độc chiếc áo nâu, 
Lờ mờ thân trước, tà sau đã sờn. 
Mẹ bèn tìm mẩu lụa trơn, 
Vá ngay giữa ngực hình vuông sắc hồng. 
Áo người đẹp cả ngòai trong, 
Áo con chỉ mới giữa khung lụa này. 
Thấy con mừng rỡ thơ ngây, 
Mẹ càng tuổi phận, xót ngày gieo neo. 
Nhìn quanh nào chỉ mình nghèo, 
Trướng buông một bức ruột teo mấy tầm”. 

Tuy cuộc sống vật chất thiếu thốn trăm bề như vậy nhưng bà Hoàng Thị Loan vẫn luôn lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp của chồng và nuôi một niêm hy vọng lớn lao vào tương lai của các con. 
Nếu ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền bác học xuyên thấm qua một nhân cách yêu nước thương nòi mang màu sắc nhân đạo, thì ảnh hưởng từ người mẹ là nền văn hóa dân gian mang đậm truyền thống dân tộc và những phẩm chất của tầng lớp lao động bình dân xuyên thấm qua tình mẫu tử. Bà đã nêu một tấm gương trong sáng về nhân cách đạo đức cho con cái học tập. Ở đâu bà cũng thể hiện một lối sống vui vẻ, vô tư, có nghĩa, có tình được mọi người hết sức yêu mến và quý trọng. Với tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà đã vun trồng uốn nắn, dạy dỗ con cái bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Vì vậy, ngay từ thuở ấu thơ, những người con của bà đã biết nói những điều hay, làm những việc tốt, biết kính trọng những người trên, biết sống chan hòa với bạn bè, giàu lòng vị tha, nhân ái, biết nhường nhịn mọi người. 
Bà con ở Hoàng Trù đến nay thường kể lại rằng: có lần dì Hoàng Thị An đi chợ Cầu bán rau thơm, rồi mua ít kẹo gửi chị đưa về trước cho cháu. Được mẹ chia kẹo, cậu Cung chưa vội ăn ngay, khi dì An đi chợ về, cậu liền đem chiếc kẹo của mình biếu dì. Bà An thấy đó là chiếc kẹo của mình mua cho cháu nên hết sức cảm động, bà ôm cháu vào lòng và đặt lên trán một cái hôn âu yếm. 
Lần khác, vào lúc 5 tuổi, trên đường theo cha mẹ vào Huế, cậu Cung nhặt được một quả cau, cậu liền lấy vạt áo lau sạch rồi cất vào túi. Mọi người tưởng cậu nhầm là quả chanh nên hỏi lại, cậu thưa ngay: “Con biết đây không phải là quả chanh mà là quả cau. Con lau sạch cất vào túi để chiều về biếu bà”. Nghe cậu nói, ông Sắc và bà Loan vui sướng nhìn con một cách trìu mến. 
Sinh trưởng trong một gia đình nho học truyền thống tiến bộ, lớn lên trong một vùng quê giàu tinh thần yêu nước và đậm đà những làn điệu dân ca trữ tình, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, bà Hoàng Thị Loan sớm trở thành một con người thông minh, có vốn hiểu biết văn học dân gian phong phú. Bà đã truyền lại tất cả cho con qua lời ru ấm cúng, mượt mà nên tuổi thơ của các con đã hấp thụ được những tấm gương nghĩa liệt yêu nước, thương nòi, lời ca tiếng hát đã nhen nhóm vào lòng con tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng. Sau này đã được thể hiện một cách cụ thể ở lòng nhân ái mênh mông của Bác Hồ. 
Đêm đêm, sau rặng tre xanh, dưới mái nhà tranh thanh bạch quen thuộc của làng Hoàng Trù, tiếng ru à ơi của mẹ đã đưa con vào giấc ngủ say nồng bằng những lời chói ngời đạo lý: 

“Con ơi, mẹ dặn câu này, 
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm. 
Làm người đói sạch rách thơm, 
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”. 

Về sau, trong lúc bôn ba hoạt động ở nước ngoài, đêm khuya nghe một người mẹ Việt kiều ru con, kỷ niệm êm đềm tuổi thơ lại trào dâng trong lòng Bác: 

“Xa nhà chốc mấy mươi niên 
Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. 

Năm 1910, khi ngồi biên khảo tập dân ca, tục ngữ ở Nghệ Tĩnh cho tên Công sứ Ôgiê, ông Nguyễn Sinh Khiêm đã bổ sung nhiều câu phản ánh thuần phong mỹ tục, tinh thần đấu tranh chống áp bức bóc lột của nhân dân. Vốn hiểu biết đó có nguồn gốc từ lời ru của mẹ ngày xưa. 
Bà Hoàng Thị Loan đã để tâm sức rất nhiều truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội. Tất cả những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh của con đều được bà tìm cách trả lởi rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu. Là một bà mẹ cần cù, chăm chỉ, bà đã dạy cho con biết yêu lao động, biết làm những công việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi của mình một cách mê say, chịu khó và sáng tạo. Nhờ vậy, đến năm 1901, sau khi bà mất, Nguyễn Sinh Cung từ Huế trở về Hoàng Trù, mặc dù tuổi nhỏ, đã đỡ đần nhiều việc cho bà ngoại. Bằng lao động, cậu Cung đã có trong mình những phẩm chất tốt đẹp. Ở độ tuổi 11, cậu đã để lại trên quê hương những ấn tượng cao đẹp về cách cư xử với bạn bè trong những lần đi tắm ao ở làng, đi câu cá ở ao ông Tùa, thả diều ở cánh đồng Én và đánh trận giả trên núi Chung v.v… 
Trong sinh hoạt hàng ngày, bà Loan sống giản dị, tiết kiệm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tính cách này cũng đã ảnh hưởng sâu sắc tới con cái. Bà tập cho con làm những điều tốt và thực tế đã trở thành nếp sống quen thuộc hàng ngày của các con, cậu Khiêm rất cần cù, chịu khó đi nhặt mo cau làm củi đun, nhưng lại sẵn sàng bớt gạo, bớt khoai của mình cho bà con nghèo quanh xóm. 
Sau những lần đi nhặt thóc rơi vãi ở ngoài đồng, cậu Cung thường vui vẻ chia lúa cho bạn bè, vì bạn kiếm được quá ít v.v… 
Nếp sống giản dị thanh tao đó của bà Hoàng Thị Loan đã được phản ánh rõ ràng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898), sau ba năm theo học ở trường Quốc Tử Giám, ông Nguyễn Sinh Sắc đi dự kỳ thi hội lần thứ 2. Nhưng kỳ thi này cũng bị trượt. Cuộc sống vật chất của gia đình càng gặp khó khăn, nhưng bà Hoàng Thị Loan vẫn một lòng, một dạ kiên trì, nhẫn nại động viên chồng yên tâm ôn luyện văn chương, chờ kỳ thi tiếp năm Tân Sửu (1901). 
Năm 1900, bà Hoàng Thị Loan sinh thêm người con trai út, đặt tên là Nguyễn Sinh Xin, vì sinh ra trong cảnh ngộ thiếu thốn trăm bề, cái gì cũng phải đi xin bà con lao động láng giềng. Từ khi sinh thêm cậu Xin, cuộc sống quá chật vật, vất vả, kham khổ, bà ốm đau luôn. Trước đó ít lâu, ông Nguyễn Sinh Sắc lại được triều đình cử đi tham gia tổ chức kỳ thi Hương khoa Canh Tý ở Thanh Hoá. Người con trai lớn là Nguyễn Sinh Khiêm cũng được đi Thanh Hoá để giúp đỡ ông Sắc trong sinh hoạt hàng ngày. 
Ở Huế, còn lại mình cậu Nguyễn Sinh Cung mới 10 tuổi đã phải lo liệu mọi việc, khi bà Loan phải nuôi em Xin mới sinh, rồi bị ốm phải nằm trên giường bệnh, rồi qua đời đột ngột ngày 10 tháng 2 năm 1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý): 

“Hôm sau mẹ ốm liệt giường 
Nằm không trăn trở tóc vương ngắn dài. 
Gần trưa cậu lại ra ngoài, 
Mua cơm thường lệ như vài tháng nay. 
Liễn sành quen xách đổi tay, 
Đi về quen nếp bóng cây bước dồn. 
Trưa còn hai buổi mua cơm, 
Sau cơm hoặc cháo sớm hôm hai lần. 
Trưa về mới đến trước sân, 
Nghe em khóc thét, cậu băng chạy vào. 
Bò trên ngực mẹ em gào, 
Miệng day vú mẹ sữa nào còn đâu. 
Im lìm mẹ mất từ lâu, 
Vào hồi giống giả trống lầu điểm trưa. 
Bên ngoài trời lại đổ mưa, 
Mành rơi lẩy bẩy bóng đưa vật vờ. 
Tiếng gào thảm thiết trẻ thơ, 
Hoà vang gió lộng dật dờ vọng xa”. 

Bà Hoàng Thị Loan từ giã cõi đời khi vừa kết thúc tuổi 32, sắp sửa bước sang tuổi 33, khi ông Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, ở kinh đô Huế chỉ còn lại Nguyễn Sinh Cung 10 tuổi, Nguyễn Sinh Xin vừa chào đời được vài tháng, thời điểm chỉ còn có 8 ngày thì đến giao thừa tết Tân Sửu (1901). 
Nguyễn Sinh Cung bế em Xin đón tết trong cảnh đại bất hạnh mất mẹ, vắng cha, vắng cả anh chị. Hình ảnh bà Hoàng Thị Loan là người phụ nữ thiệt thòi nhất trên đời này đã khắc sâu trong tâm khảm của Nguyễn Sinh Cung, không bao giờ quên được. Sau này trên con đường đấu tranh cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả tâm huyết để giải phóng cho được phụ nữ, giải phóng cho được một nửa nhân loại có nhiều thiệt thòi trong cuộc sống đời thường và cả trong công tác xã hội. 

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn