Phong thủy - Long Mạch huyệt mộ - phần 8

Đăng ngày: 09/07/2014 20:37
.

Tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, Huế, có một người đã hỏi cụ: “Thánh Nam Đàn là ai?” thì cụ nói ngay: “Thánh Nam Đàn là ông Nguyễn Ái Quốc”. Cụ khuyến một số thanh niên có tâm huyết với vận mệnh của đất nước lúc ấy không nên theo cụ nữa, mà theo ông Nguyễn Ái Quốc để hoạt động cứu nước. 
Năm 1934, ông Trần Lê Hựu (người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi bằng dượng), có ghé thăm cụ Phan trên chiếc thuyền trên sông Hương. Qua câu chuyện về đất nước, Trần Lê Hựu than thở: “Thưa cụ, chúng tôi không hiểu rồi nước ta có được độc lập hay không? Thấy từ trước đến nay, hễ anh hùng chí sĩ nào nổi lên là bị bắt, bị tù đày, bị giết, cho đến cụ là niềm hy vọng trong mấy chục năm nay, rồi cũng bị bắt và giam lỏng ở đây, như thế thì còn mong gì nữa?”. 
Cụ Phan Bội Châu khoát tay giải thích: “Ông không nên nghĩ như vậy. Đời hoạt động cách mạng của tôi rốt cuộc là một thất bại lớn. Đó là bởi vì tôi có lòng mà bất tài. Nhưng dân tộc ta thế nào rồi cũng được độc lập, nhất định phải thế. Hiện nay đã có lớp người khác lớn hơn lớp chúng tôi nhiều, đúng ra đảm đương công việc để làm tròn cái việc mà chúng tôi không làm xong, ông có nghe tiếng ông Nguyễn Ái Quốc không?”. 
Lúc ấy, Trần Lê Hựu với giọng buồn rầu, thương tiếc: “Các báo đăng tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt và chết ở Hương Cảng cách đây mấy năm rồi”. 
Cụ Phan phủ nhận cái tin đó: “Tôi không chắc ông Nguyễn Ái Quốc vẫn còn, mà ông ấy còn thì nước ta sẽ được độc lập. Họ bắt tôi thì dễ, chứ làm sao bắt được ông Nguyễn Ái Quốc, mà có bắt được thì họ cũng phải thả ra thôi. Vì ông ấy giỏi chứ có như chúng tôi đâu, ông ấy lại có nhiều vây cánh và bạn bè khắp thế giới." 
Thực tế đã chứng minh hùng hồn, Nguyễn ÁI Quốc - Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, là danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới, là thánh nhân không chỉ của Nam Đàn mà là của cả nước và của cả thế giới. 
Che chắn cho phía tây-nam huyện Nam Đàn cò dãy núi Thiên Nhận trùng trùng, điệp điệp như đàn ngựa ruổi quanh, là ranh giới giữa huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Núi Thiên Nhận có 999 ngọn, đứng án ngữ cả một phương trời, đỉnh cao nhất 278m. Ở đây có nhiều cảnh đẹp nên thơ như Rú Trống, Rú Chiêng, Vụng Cọp Quẹp, Vụng Máu, bãi Cây Đỏ, khe Hoa, suối Mài, vực Nàng v.v…có dòng suối từ trên cao chảy xuống, dòng nước trắng xoá, đứng từ xa trông giống như tấm vải trắng, nên gọi là khe Bộc Bố. Tại ngọn Hoàng Tâm trong dãy Thiên Nhận có thành Lục Niên của nghĩa quân Lê Lợi xây dựng năm 1424 để đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Đến giữa thế kỷ 18 có trại Bùi Phong, nơi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ẩn dật trong 20 năm và Sùng Chính thư viện, thành lập năm 1791 dưới thời vua Quang Trung, do La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đứng đầu. 
Cũng thuộc dãy núi Thiên Nhận có Quải Bái sơn (núi treo cờ) ở xã Lương Trường (nay là xã Nam Lộc), có miếu Thống Chinh thờ tiến sĩ Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, người có công đánh giặc Sầm, giặc Bồn Man ở phía tây đến xâm phạm nước ta hồi thế kỷ 16. 
Vịnh cảnh đẹp của núi Thiên Nhận, La Sơn phu tử đã viết: 

“Quỳ, Trà long thế cực nam minh 
Thiên Nhận sơn thanh thủy cộng thanh” 

(Nghĩa là: Mảnh đất Phủ Quỳ, Phủ Trà đi mãi đến biển xanh. Núi Thiên Nhận xanh, nước cũng xanh). 
Án ngữ phía Bắc huyện Nam Đàn có dãy núi Đại Huệ. Núi Đại Huệ là ranh giới giữa huyện Nam Đàn với huyện Đô Lương và huyện Nghi Lộc. Núi cao 454m. 
Núi này xưa kia có tên la núi Đại Tuệ, nhân dân địa phương thường gọi là Rú Nậy. Sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh trong Tết Kỷ Dậu (1789), trở về, vua Quang Trung đã đổi tên núi Đại Tuệ thành núi Đại Huệ. 
Có một giai thoại ở vùng này kể rằng: “Lần ấy vua Quang Trung đang đứng trên dãy núi Đại Tuệ nhìn đoàn quân chiến thắng trở về, bỗng có một cụ già người địa phương đến thưa rằng: “Tôi biết đại vương vốn gốc nhà Hồ, nhà Hồ trước đã về đây xây dựng thành luỹ để chống giặc Minh, thành lũy xây rồi lại đổ. Sau phải xây ngôi chùa thờ Phật Bà, công việc mới trôi chảy. Đại vương qua đây, lần nào cũng chiến thắng, chắc có Phật Bà phù hộ. Vậy nên theo gương trước, ắt thắng tích còn nhiều”. Quang Trung hỏi: 
- Thế Phật Bà ở đây tên gì? 
- Dạ, Phật Bà tên là Đại Tuệ (trí sáng suốt lớn). 
Quang Trung nghiêm nghị, vui vẻ nói sang sảng: “Nước là nước của dân, thần Phật nào giúp ta làm nên chíên tích ta sẽ nhớ ơn. Từ nay hãy đổi tên núi Đại Tuệ thành núi Đại Huệ." 
Nghe vua Quang Trung nói xong, ba quan reo hò vang dội, tỏ ý hoan hỉ, tán thành." 
Trong tập “Tây ngữ tùy hành” của ông quân theo chúa Trịnh Tráng có một đoạn đại ý như sau: Đã vào thăm đất Hoài Hoan thì đừng bỏ quên hai danh thắng, đó là Hống Sơn và Đại Tuệ sơn. 
Hống Sơn tức là dãy núi Hồng Lĩnh có 99 ngọn núi thuộc địa phận huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Còn Đại Huệ sơn nằm ở phía Bắc huyện Nam Đàn thuộc địa phận xã Thanh Tuyền (Nam Thanh) và Nộn Liễu (Nam Xuân và Nam Anh). 
Đại Huệ là một dãy núi kéo dài từ huyện Đô Lương đến huyện Hưng Nguyên. Phía tây Đại Huệ có các ngọn Hải Thuỷ, Hồ Cương, phía bắc có ngọn Đại Quốc (Đại Vạc), phía đông có ngọn Đại Bàn, Đại Tứ, Đại Hải, phía nam có núi Động Tranh, có 2 cấp là Động Tranh thấp và Động Tranh cao. 
Đứng dưới nhìn lên thế núi Đại Tuệ cao thấp trập trùng, cây cỏ chen chúc xanh tươi, trông đẹp như tranh vẽ. Sườn núi phía nam và phía đông-nam là vườn chè lớn, hoa quả nhiều vô kể, mùa nào thức ấy. Quả vải là đặc sản ở đây, ngon nổi tiếng khắp nơi. Viên quan nhà Đường đô hộ Hoan Châu biết rõ vua quan nhà Đường rất ham thích, đặc biệt ái khanh của vua là Dương Quý Phi. Chúng khao khát đặc sản này đến nỗi khi mùa vải chín, ngắm trời phương nam khi có ngựa đưa vải tiến dâng nhà vua về đến Tràng An nàng nhoẻn miệng cười. 
Đỗ Mục, nhà thơ nổi tiếng thời Vãn Đường đã viết: 

“Nhất kỵ hồng trần Phi tử tiếu 
Vô nhân tri thị lệ chi lai” 

Tương Như dịch: 
“Bụi hồng ngựa ruổi Phi cười nụ 
Vải tiến mang về ai biết đâu?” 
Từ đó, người ta đặt cho quả vải cái tên là : “Phi tử tiếu” (nàng Phi cười). 
Ở vùng Nam Đàn còn truyền lại một bài hát Chầu văn vạch rõ tội ác tày trời của bọn thống trị nhà Đường và tố cáo lên nỗi thống khổ của nhân dân, nhất là việc phải cống vải sang tận kinh đô Tràng An, Trung Quốc: 

“Nhớ khi nội thuộc Đường triều 
Giang sơn có quốc nhiều điều ghê gai 
Sâu quả vải vì ai vạch lá 
Ngựa hồng trần kể đã héo hon”. 

Biết bao người phu Nam Đàn đã phải bỏ mạng trên đường cấp tốc cống đặc sản quý báu này. Ngọn lửa hờn căm bọn thống trị nhà Đường đang âm ỉ bốc cháy trong nhân dân. Mai Thúc Loan là một trong những dân phu cống vải đã hiểu rõ khát vọng cháy bỏng đó nên đã thổi bùng ngọn lửa hờn căm thành một cuộc khởi nghĩa lớn năm Nhâm Tuất (722). 
Tài năng lỗi lạc và ý chí kiên cường của Mai Thúc Loan đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chấm dứt được nạn cống vải, đưa lại thái bình cho Tổ quốc, hạnh phúc cho mọi nhà. 
Tại đền thờ vua Mai ở làng Nghi Lễ (nay là thị trấn Nam Đàn) trong: “Tiên chân báo ứng tân kinh”, có ghi bài ca ngợi công đức trời biển của vua Mai: 

“Hùng cứ Hoan châu địa nhất phương. 
Vạn An thành luỹ, Vạn An hương. 
Tứ phương hưởng ứng hô Mai Đế, 
Bách chiến uy danh nhiếp Lý Đường. 
Lam thuỷ giang thanh, thanh lãng ngọc. 
Hùng sơn phong tĩnh, tĩnh yên lang. 
Lệ chi tuyệt cống Đường nhi hậu. 
Dân đáo vu kim thụ tứ trường” 

Dịch: 
Hùng cứ Hoan châu đất một vùng, 
Vạn An thành lũy khói hương xông. 
Bốn phương Mai Đế lừng uy đức, 
Trăm trận Lý Đường phục võ công. 
Lam thuỷ trăng in tăm ngọc lặn, 
Hùng sơn gió lặng khói lang không. 
Đường đi cống vải từ đây dứt, 
Dân nước đời đời hưởng phúc chung. 
Ở phía Nam núi Đại Huệ có Nộn hồ rộng bao la, là một trong những hồ lớn của Việt Nam. Những chiều hè oi ả, khi có những trận gió nồm từ biển thổi lên, cộng với hơi nước của hồ đã làm cho con người sống ở đây một cảm giác thư thái dễ chịu. Đại Huệ in bóng xuống Nộn hồ rung rinh theo sóng nhẹ. 
Ngày xưa dòng Lam giang chảy qua đây, Nộn hồ là vết tích của một cuộc biển dâu, nên tác giả “Đại Nam nhất thống chí”, khi nói về núi Đại Huệ đã viết: “Nộn hồ và sông Lam bao quanh, thuyền ghe xuôi ngược trong khoảng nắng sớm, mù chiều, thật là một danh thắng trong tỉnh Nghệ An”. 
Trên đỉnh Đại Huệ có động Thăng Thiên, trong động có chùa Đại Tuệ, người đã phù hộ hai cha con nhà Hồ xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc ngoại xâm. Ngoài chùa Đại Tuệ còn có chùa Hương Lâm, giếng Thạch Tĩnh, có khe Trúc, khe Mai bên cạnh, cảnh đẹp như chốn đào nguyên. Mé dưới có suối Ngọc Tuyền nước trong veo, thơm mát. 
Trong dãy núi Đại Huệ có truông Băng và truông Hến. Từ xã Nộn Liễu (Nam Anh, Nam Xuân) qua vùng xã Đoài, Hưng Yên của huyện Hưng Nguyên, phải vượt qua Đại Huệ, qua truông Hến. 
Cuối năm 1788, Nguyễn Huệ - Quang Trung đã dẫn đại quân vượt qua truông Băng, truông Hến ra đại phá 29 vạn quân xâm lược nhà Thanh giữa Tết năm Kỷ Dậu (1789). Khi đại thắng trở về Nguyễn Huệ - Quang Trung lại đập tan số quân mai phục của Lê Hân - một cựu thần nhà Lê ở truông Băng và truông Hến hiểm trở này. 
Cảnh đẹp nên thơ của núi Đại Huệ được Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh vẽ lại trong bài thơ sau: 

“Huy hoàng cảnh vật đất Hồng Lam, 
Đại Huệ danh cương vẻ khác phàm. 
Cao ngất đồi non mây trắng phủ, 
Rầm rì cây cối lá xanh chàm. 
Gió tùng huyên náo lòng tơ tưởng, 
Trái lá xôn xao bạn tiếu đàm. 
Sáu bảy dặm hoè liên tiếp mãi, 
Chuyên tâm cổ ngạn ý chưa cam”. 

Đứng ở phía đông làm rành giới giữa huyện Nam Đàn và huyện Hưng Nguyên có dãy núi Độc Lôi. Núi có tên là Độc Lôi vì dưới chân núi có đền Độc Lôi. Tương truyền rằng đời Lý, có tướng quân họ Phạm đi đánh giặc ở phía tây về, đóng quân ở đây. Một đêm trời đang quang đãng, bỗng trên không trung nổ một tiếng sấm dữ dội, tiếp theo là một cơn lốc lớn, mấy ngàn quân cùng vị tướng họ Phạm bay lên trời đi mất. Vua nhà Lý được tin liền hạ lệnh cho dân ở đây lập đền thờ và lấy tên là đền Độc Lôi. 
Dãy núi Độc Lội có ba đỉnh, đỉnh cao nhất gọi là Thai Phong, dưới chân đỉnh Thai Phong có một thung lũng gọi là Trảng Vương. 
Theo huyền thoại được lưu truyền ở địa phương, ở Trảng Vương có một huyệt cát địa phát hoàng đế với cảo địa lý: “Dĩ Lam sơn vi kỳ, Dĩ Chung sơn vi cổ, Dĩ Thai sơn vi kiếm, Dĩ Hồng Lĩnh vi vạn mã thiên binh, phát tại Nam phương” (Nghĩa là lấy núi Lam Thành làm cờ, lấy núi Chung làm trống, lấy núi Thai làm kiếm, lấy Hồng Lĩnh làm binh hùng, tướng mạnh, phát tại Nam phương). Nơi đó đã để mộ tổ của Nguyễn Huệ - Quang Trung, người anh hùng áo vải, lãnh tụ tối cao của phong trào Tây Sơn. 
Tổ tiên bốn đời củ Nguyễn Huệ là Hồ Phi Long, vốn ở làng Mặc Điền, sau đổi thành Thái Lão, nay thuộc xã Hưng Thái, Hưng Nguyên. Trong những năm 1655-1663, Hồ Phi Long bị chúa Nguyễn bắt đưa vào Bằng Châu, tỉnh Bình Định. Hồ Phi Long lấy một người con gái họ Đinh ở Lăng Châu. Ông bà sinh được một con trai là Hồ Phi Tiễn, khôn lớn lên Phú Lạc buôn trầu, rồi hôn phối với bà Nguyễn Thị Đồng (con một nhà giàu ở Phú Lạc). 
Hồ Phi Tiễn và Nguyễn Thị Đồng cũng chỉ sinh được một trai là Hồ Phi Phúc. Bà Nguyễn Thị Đồng là người con độc nhất của gia đình, để đủ tư cách hợp pháp-kế thừa món tài sản lớn của cha mẹ bà để lại, nên Nguyễn Thị Đồng đã bàn với Hồ Phi Tiễn đổi họ cho con trai mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn. Hồ Phi Phúc lấy tên theo họ mẹ là Nguyễn Phi Phúc (theo tài liệu của Quách Tấn). 

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn