Sốc với thông báo cúng sao "quái dị" của sư thầy trụ trì chùa Một Cột

Đăng ngày: 19/01/2014 16:41
Gần đây, sư thầy trụ trì chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) ở thủ đô Hà Nội ra thông báo về việc cúng giải sao giải hạn, khiến cho bất cứ ai đầu xuân viếng ngôi chùa này đọc cũng cảm thấy choáng váng.

Trong thông báo, sư thầy Thích Tâm Kiên viết:

"Thưa quý vị Phật tử gần xa!

Hòa chung vào sự vần xoay của đất trời, lễ giải hạn cầu bình an đầu năm mới Quý Tỵ 2013 được tổ chức từ ngày mùng 6 tháng Giêng tới ngày 19 tháng Giêng (tức là ngày 15-2 đến ngày 28-2 dương lịch năm 2013) mỗi ngày có 2 thời khóa: Khóa lễ chiều từ 14 giờ và khóa lễ tối từ 18 giờ.

Để tiện việc ra vào chùa đăng ký lễ, từ ngày rằm tháng 11 âm lịch năm Nhâm Thìn, xin quý Phật tử đến ghi tên vào hệ thống máy vi tính và nhận giấy hẹn của khóa lễ vào mỗi buổi chiều từ 14 giờ đến 19 giờ hàng ngày.

* Lễ giải hạn sao mỗi gia đình đóng 200 ngàn đồng.

* Cầu bình an cả năm mỗi gia đình đóng 200 ngàn đồng.

* Tuổi Hợi, Mão, Mùi gặp hạn Tam Tai lễ vào các ngày 21 hoặc 22 hoặc 23 tháng Giêng (sáng 8 giờ hoặc chiều 14 giờ hoặc 18 giờ tối) đóng 300 ngàn đồng một người. Khi tới lễ giải hạn Tam Tai, các Phật tử nên tới sớm 15 phút để đối chiếu lại tên tuổi địa chỉ trên bảng thông bào và lấy một ít tóc rối của người có hạn Tam Tai kèm một ít tiền lẻ gói chung với gạo muối bỏ vào mâm lễ giải hạn.

Mong quý vị Phật tử ghi nhớ đến đúng thời gian để buổi lễ được trang nghiêm và cùng với nhà chùa làm trọn vẹn việc Phật, một lòng kính tin nơi đấng giác ngộ và mừng vui nghẹnh đón một mùa xuân an lành.

Nam mô A Di Đà Phật"

Thông báo ở chùa Một Cột ngay giữa lòng Thủ đô

có nội dung gây nhiều dị nghị trong dư luận. Ảnh: Chu Minh Khôi - GNO

Đầu năm mới các chùa trong cả nước tổ chức cầu quốc thái dân an nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh cho bá tánh là chuyện hết sức bình thường.

Tuy nhiên, việc sư trụ trì "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á" do Tổ chức Kỷ lục châu Á trao tặng, ra thông báo có nội dung sặc mùi "kinh tế thị trường" theo kiểu "dịch vụ" của thế gian ở nơi cửa Thiền, cửa Không, cửa Tịnh như trên thì e rằng không chỉ các nhà sư đọc cảm thấy xấu hổ, mà ngay cả những Phật tử tín tâm nhất cũng nản lòng, huống chi những người bên ngoài, họ nghĩ gì, có trời mới biết được.

Bảo Anh

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn