VÔ NGÃ VÔ ƯU - Chương 12
Đăng ngày: 22/02/2014 18:02Khi Ðức Phật rời bỏ gia đình để đi tìm sự giải thoát cho chúng sanh khỏi những khổ đau, Ngài đã tìm đến tu học với hai vị Thiền sư nổi tiếng.
Ngài Alara Kalama, vị thầy đầu tiên, dạy Ðức Phật về Tứ Thiền, các tầng thiền trong sắc giới. Ðức Phật là người học trò rất thông minh, Ngài học rất nhanh. Chẳng lâu sau, vị thầy nhờ Ngài ở lại dạy vì sự hiểu biết của Ngài đã ngang bằng với thầy. Nhưng Ðức Phật, lúc đó hãy còn là Thái tử Siddhartha Gotama (Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm), từ chối và nói rằng Ngài chưa đạt được mục đích của mình, và từ giã vị thầy này để đến với vị thầy thứ hai, ngài Uddaka Ramaputta. Người thầy thứ hai dạy Ðức Phật về bốn tầng thiền vô sắc, là các tầng Thiền vi tế hơn, khó đạt được hơn các tầng Thiền trước đó. Lần nữa, Ðức Phật lại chứng tỏ mình là một người học trò xuất sắc, và vị thầy của Ngài lại yêu cầu Ngài hãy ở lại hướng dẫn các đệ tử khác. Lần nữa, Thái tử lại từ chối vì Ngài nhận thấy rằng dù Ngài đã đạt được tầng Thiền cao nhất, nhưng khi xả định, Ngài vẫn thấy khổ đau, phiền não như trước. Không có gì thay đổi nhiều. Vì thầy Uddaka Ramaputta nói không còn gì nữa để dạy, Thái tử biết rằng Ngài phải tự mình đi tìm chân lý. Ngài từ giã năm người bạn đồng tu với mình. Họ không muốn theo Ngài, mà chọn lựa ở lại, với sự an ổn, bảo đảm của một người thầy danh tiếng.
Khi Thái tử đi đến gốc cây Bồ đề ở ở một vùng ngày nay có tên là Bodhgaya (Bồ đề Ðạo tràng), bắc Ấn Ðộ, Ngài có quyết tâm lớn. Ngài thề nguyện sẽ ngồi đó không nhúc nhích, không đứng dậy cho đến khi tìm được sự giải thoát, dầu cho thịt xương của Ngài có vữa ra. Thế là Ngài ngồi và dùng các khả năng Thiền định đã học để đi sâu vào định, từ Sơ Thiền đến Bát Thiền và trở lại từ đầu. Trong lúc ngồi, Ma vương đến cám dỗ, nhưng Ngài đã chiến thắng nó. Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh, an định, không mảy may lay động, Ngài đã đạt được sự Giác Ngộ sâu xa nhất. Khi xả định, Ngài nhận ra rằng Tứ Diệu Ðế và Bát Chánh Ðạo là một thực tại nội tâm thông suốt. Sau những việc đó, Ngài nhận ra mình đã chứng đắc, trở thành Ðức Phật, bậc Ðại Giác Ngộ.
Ðức Phật sau đó trong niềm hân hoan của sự giải thoát, cảm nhận ơn cây Bồ đề đã chở che cho Ngài. Ðức Phật ở đó một tháng, rồi theo lời khẩn cầu của Phạm Thiên (Brahma Sahampati), Ðức Phật quyết định đi truyền bá giáo lý của mình. Lúc đầu nghĩ rằng giáo lý của Ngài quá cao siêu, quá khó hiểu, sợ rằng khi truyền đạt lại cho chúng sanh, Ngài sẽ thất vọng vì sự không thông suốt của họ. Nhưng cuối cùng Ðức Phật xuôi lòng, và đồng ý dạy vì lợi ích của người và trời.
Trước hết Ðức Phật nghĩ đến những vị thầy của mình. Nhưng khi dùng nhãn thông để tìm kiếm họ, Ðức Phật khám phá ra họ đã qua đời. Sau đó Ðức Phật quyết định dạy cho năm người bạn đạo cũ của mình. Ðức Phật tìm ra họ đang ở gần Benares. Ðức Phật quyết định đi đến đó để gặp họ.
Ðức Phật đi bộ suốt cả chặng đường. Trong bốn mươi lăm năm truyền giáo, Ngài đi như thế đến khắp mọi nơi. Ðức Phật chẳng bao giờ dùng xe, vì trong những ngày ấy xe đều do súc vật kéo, và Ðức Phật không bao giờ muốn phải làm khổ con vật nào. Do đó, một trong những giới luật cho tăng ni là không được dùng xe do súc vật kéo. Ngày nay chúng ta may mắn hơn, có những loại xe khác. Ðức Phật lúc nào cũng đi bộ.
Hằng ngày, Ðức Phật đều thuyết giảng. Nhờ thế ngày nay ta có thể thừa hưởng được gia tài đồ sộ của Ngài. Trong các kinh điển có hơn 17.500 bài giảng.
Khi Ðức Phật đi đến gần Benares, năm nhà sư đạo hạnh trông thấy Ðức Phật đang đi đến gần. Họ nói với nhau, "Nhìn kìa, ông Gotama đang đi đến. Ông ấy đã từ bỏ cuộc sống đạo hạnh. Ông ấy không còn là một tu sĩ nữa. Trông ông ấy khỏe mạnh, sạch sẽ quá. Chúng ta nhất quyết không chào hỏi khi ông ấy đến gần". Nhưng khi Ðức Phật đến gần hơn, họ không thực hiện được dự định vì dáng vẻ oai nghi và khuôn mặt rạng ngời của Phật. Họ chào hỏi Ðức Phật rất lễ phép.
Lúc đó Ðức Phật bảo với họ rằng, "Ta đã thành Phật và ta sẽ truyền dạy cho các người giáo lý của ta". Ngạc nhiên, họ hỏi: "Nhưng làm sao chúng tôi biết đó là sự thật? Làm cách nào để chứng minh?" Ðức Phật nói: "Các người đã biết ta hơn sáu năm. Có bao giờ ta dối gạt các người điều gì không?" Họ nói: "Không". Rồi Ðức Phật nói "Hãy nghe một thời pháp của ta". Các vị đạo sĩ bằng lòng. Nói cách khác là họ đồng ý cho Ðức Phật một cơ hội. Họ sửa soạn chỗ ngồi cho Ðức Phật trong vườn nai Isipatanna, ngoại ô Benares và ở đó với Ðức Phật một tuần. Mỗi ngày họ thay nhau đi khất thực.
Lúc đó Ðức Phật bắt đầu thuyết giảng bài kinh đầu tiên sau khi Giác Ngộ - Kinh Chuyển Pháp Luân. Ðức Phật bắt đầu chuyển bánh xe Pháp với bài giảng đầu tiên và may mắn làm sao, cho tới ngày nay bánh xe Pháp vẫn còn luân chuyển. Cũng có nhiều thời mạt Pháp xảy ra, lúc đó thật là khó khăn. Thí dụ đã có những lúc ở Sri Lanka người ta không thấy bóng dáng một nhà tu. Phật Pháp thường bị đe dọa, chống đối vì nó đi ngược lại với bản năng con người. Ngược với dòng chảy, ngược triều lưu.
Khi Ðức Phật kết thúc bài Pháp, một trong năm vị đạo sĩ đã chứng đắc. Ðức Phật nói: "Anna Kondanno thấy, Anna Kondanno biết". Thấy và biết. Biết thôi chưa đủ. Thấy là cái thấy của nội tâm, bản tánh của tâm, làm thay đổi hoàn toàn cái nhìn và quan điểm của con người. Anna Kondanno (A-nhã Kiều-Trần-Như) là vị A-la-hán đầu tiên và cũng là vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên.
Ðức Phật cũng được gọi là một vị A-la-hán: "Namo tassa bhagavato arahato samma sambuddhassa". Ngài là A-la-hán mà cũng là Phật. Ðiều khác biệt là Ðức Phật tự tìm ra Tứ Thánh đế và Bát chánh đạo, không có thầy dẫn dắt, trong khi một vị A-la-hán giác ngộ nhờ nương theo Ðức Phật. Khi Phật Pháp không còn hiện hữu, sau nhiều a tăng kỳ kiếp một Ðức Phật khác sẽ xuất hiện, để tìm ra được đúng những giáo lý về Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Ðức Phật là người có khả năng thuyết Pháp. Ðó là một khả năng hiếm có. Có các Ðức Phật được gọi là Paccekabuddha (Ðộc Giác Phật, Bích Chi Phật, Duyên Giác Phật). Họ đạt Giác Ngộ nhưng họ không có tài giảng Pháp.
Khi chúng ta đọc tụng kinh pháp, ta thường ngỡ ngàng trước việc Ðức Phật nhiều lần lập lại cùng những từ ngữ. Dầu trong tiếng Pali ta nghe du dương, nhưng được lập đi, lập lại nhiều lần, ta không khỏi tự hỏi tại sao. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Khi nói, ai cũng thường lập đi, lập lại. Hơn nữa, Ðức Phật nhận ra rằng rất khó suy nghĩ sâu xa về một sự thật thậm sâu bằng thính giác, vì lẽ đó Ðức Phật đã nhấn mạnh bằng cách lập đi, lập lại.
Tứ Diệu Ðế
Tứ Diệu Ðế bắt đầu bằng sự thật của khổ đau. Năm người bạn mà Ðức Phật giảng bài Pháp đầu tiên là năm đạo sư đã tu khổ hạnh trong sáu năm. Ðức Phật cũng đã làm như thế, nhưng sau đó Ðức Phật nhận thấy rằng sự hành xác không đem lại Giác Ngộ. Trái lại, cách sống buông trôi hưởng lạc như Ðức Phật đã từng sống khi còn là Thái tử trong cung điện, cũng không mang lại hạnh phúc. Ðức Phật nhận ra rằng chỉ có con đường duy nhất - con đường Trung Ðạo. Không có sự cực đoan nào là tốt cả. Các vị đạo sư này đã tu ép xác. Họ hiểu về những đau khổ của thân. Ðức Phật không cần phải nhấn mạnh về điều đó. Họ có thể hiểu dễ dàng.
Nhưng đối với chúng ta không dễ. Dầu khi ngồi Thiền ta có kinh nghiệm về những đau đớn, khó chịu ở thân, nhưng sau khi xả Thiền, về nhà, đau đớn cũng không còn nữa. Như thế đó chỉ là những đau đớn tạm thời, ta có thể chịu đựng được. Ðiều chúng ta có thể không biết là thân không chỉ có những đau đớn, mà chính thân là một cái khổ. Nói một cách khác là có thân là có khổ. Phải lo cho thân là khổ. Ở đây không chỉ nói về cái khổ khi ta phải hứng chịu một tai họa nào đó. Tai họa là một chuyện, sự thật khổ đau là một chuyện khác nữa. Đức Phật nói: Sanh khổ, Tử khổ, Hoại diệt khổ, Không được cái mình muốn thì khổ.
Ðây là những nỗi khổ lớn của tất cả chúng sanh, còn bao nhiêu cái khổ nữa bên cạnh sinh, già, bệnh, chết. Rõ ràng là lúc vui vẻ an ổn, ta không biết đến cái khổ trong ta. Ta có thể thương hại ai đó, vui mừng vì mình không ở trong cùng cảnh khổ, quên rằng cái khổ luôn có mặt trong ta. Ngay chính trong lúc vui, ta cũng khổ vì không thể kéo dài niềm vui. Dục lạc biến mất khi ta muốn duy trì nó mãi. Mỗi khi ta muốn bám víu vào chúng, chúng lại qua đi, và ta lại phải bỏ công đi tìm.
Ngay chính thân ta cũng không thể duy trì được sự sống nếu như nó không luôn được bồi dưỡng, tắm rửa, vận động và chữa trị. Ðủ loại chữa trị: kính, răng, máy trợ thính, thuốc bổ, thuốc ho, dầu gội, v.v... Bao nhiêu tiền đã phải đổ ra để giữ thân thể tiếp tục hoạt động, chứ chưa nói đến việc làm cho nó tốt hơn. Ta không thể làm cho nó trẻ ra, dầu có bao nhiêu người đã cố gắng làm việc đó. Bao công sức, năng lực, tiền tài đã đổ ra chỉ để giữ cho thân thể hoạt động. Nếu không thân thể sẽ hoại diệt. Ta sẽ không thể sử dụng được nó nữa. Việc nó không nghe lời ta van cầu được trẻ mãi, có sức khỏe, đẹp đẽ, sống lâu, mà chỉ làm trái ngược, cũng có thể coi là một cái khổ.
Cái khổ nhất của thân là nó luôn đòi hỏi nọ kia, mà đôi khi ta phải bỏ hết cả đời chỉ mong thỏa mãn nó. Tất cả những tiền của người ta tạo ra, bao nhiêu công sức người ta phải tổn hao, là chỉ để giữ cho thân được an toàn sung sướng. Ta phải làm việc cực nhọc để có ăn, có nhà cửa, quần áo, thuốc men. Nếu không có thân ta đâu phải vất vả như thế. Vậy mà nhiều người còn bỏ ra bao nhiêu thì giờ, tiền bạc để làm cho thân thoải mái, sung sướng hơn thế nữa. Ðó có lẽ là nỗi khổ nhất - phải hoang phí cuộc đời cho những mục tiêu như thế.
Nhưng không chỉ có thân là khổ. Tâm cũng thế. Tâm đâu có nghe theo ta. Nó chỉ làm theo ý nó, thay vì ở yên theo ý ta. Nó luôn nghĩ về những điều làm ta thêm đau khổ. Nếu đó không gọi là đau khổ, thì gì mới là đau khổ? Nó còn u mê nữa. Và đó cũng là một cái khổ.
Tâm nhảy từ việc này qua việc khác. Chính quá trình tư duy cũng là một cái khổ, ngay cả những tư tưởng khôn ngoan, khéo léo cũng có mầm bất tịnh trong đó. Khi còn phải suy tư về bất cứ điều gì thì không thể thực sự có an tĩnh.
Cả thân và tâm đều là khổ. Ðức Phật nói chỉ có một lý do, một nguyên nhân chính khiến ta đau khổ đó là ái dục, lòng ham muốn. Có ba loại ái dục chính mà những ham muốn khác đều từ đó mà ra. Ðó là ham sống, ham muốn được thỏa mãn dục lạc và ham muốn bỏ thân này. Vì ba điều ham muốn đó, ta trầm luân trong khổ đau bởi chúng ở ngoài tầm tay ta. Khó thể đạt được, khó thể làm ta thoả mãn. Chúng ta ở trong một cuộc chiến không có hy vọng thắng, và đó là cái khổ.
Ta chiến đấu để được trường tồn, nhưng không có ai còn hiện hữu khi cuộc sống của người ấy đã chấm dứt. Muốn được có dục lạc, ta cũng phải tranh đấu vật vã không kém, nhưng điều đó cũng vô vọng vì dục lạc thế gian chỉ tạm thời, chóng qua. Chúng không thể kéo dài. Ðiều ham muốn thứ ba, muốn bỏ thân này, là cái đối nghịch với lòng ham muốn được sống. Lòng ham muốn này phát sinh khi trong mắt ta cuộc đời trở nên quá đen tối. Nhưng điều này cũng khó thể thực hiện vì trừ đấng Giác Ngộ, không ai có thể hiện hữu mà không có thân.
Hai sự thật đầu tiên trong Tứ diệu đế cho thấy ta đang sống một cuộc đời thiếu ý nghĩa. Không cần biết tư tưởng ta tốt đẹp thế nào, chúng đều sẽ bị hoại diệt. Nếu ta thấy rõ ràng rằng lòng ham muốn của ta khó thể được thỏa mãn, thì ta phải tìm phương cách để thoát ra những cảnh khổ mà ai cũng phải chịu. Không ngoại trừ một ai. Hiểu như thế, ta sẽ thấy thương cảm mọi người, dầu họ là người xấu xa, đáng ghét hay ngu si. Không có kẽ hở nào nhưng có con đường để thoát ra.
Con đường thoát ra hướng vào bên trong chúng ta. Nếu suy gẫm, ta sẽ thấy ta không thể tìm được gì ở bên ngoài ta. Số đông đi tìm giải pháp ở bên ngoài, qua những điều kiện tốt hơn, người tốt hơn, ít việc hơn, ít khổ hơn. Nếu ta có thể nhìn thấy được những điều ấy vô vọng làm sao, ta sẽ không còn đi tìm kiếm ở bên ngoài nữa. Thay vào đó, ta sẽ quay nhìn vào bên trong, để dần dần đi đến sự thật thứ ba, sự chấm dứt khổ đau, gọi là giải thoát.
Ðức Phật không thực sự giải thích Giải thoát là gì. Nhưng Ðức Phật đã nói những gì không phải là Giải thoát. Ðức Phật biết rằng có giải thích cũng vô ích vì khi người ta chưa kinh qua Giải thoát, người ta không thể hiểu được điều đó. Nhưng có thể nói được thế nào là không phải Giải thoát, như thế ít nhất con người cũng không tìm kiếm ở một chỗ khác.
Câu chuyện sau đây sẽ minh họa cho ý tưởng trên. Xưa có một con cá và một con rùa kết bạn với nhau. Chúng đã sống trong cùng một ao hồ một thời gian dài. Một ngày kia, rùa quyết định đi thăm quang cảnh quanh hồ. Rùa đã nhìn được bao nhiêu cảnh đẹp, lạ để về kể cho bạn mình là cá nghe. Cá rất thú vị và hỏi rùa về quang cảnh trên mặt đất thế nào. Rùa trả lời rằng rất đẹp. Cá muốn biết là mọi thứ trên mặt đất có trong suốt, mát, bóng bẩy, mịn màng, trơn láng, dễ tuột, ướt át không? Khi rùa trả lời rằng trên mặt đất không có những gì giống như thế cả, cá liền nói: "Vậy thì mặt đất có gì tốt đẹp đâu?"
Bát Chánh Ðạo
Con đường dẫn đến sự đoạn diệt khổ đau, để được tự do, giải thoát, là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Giống như các lời dạy khác của Ðức Phật, Bát chánh đạo cũng dựa vào ba phần: cư xử có đạo đức (Giới), sự chú tâm (Ðịnh) và trí tuệ (Tuệ).
Bát chánh đạo cần được xem như con đường có tám ngành, tám phần ngang nhau, mà ta cần thực hành tất cả tám phần đồng đều, chứ không phải như một cái thang mà ta cần phải tuần tự leo xong cấp bực này mới bước lên bậc thang khác. Bát chánh đạo cũng có thể được xem như là một chuyển động vòng tròn vì nó bắt đầu bằng Chánh kiến và cuối cùng kết thúc bằng Chánh kiến. Dầu Chánh kiến chỉ được nhắc ở lúc ban đầu, nhưng kết quả của việc đi qua Bát chánh đạo phải là Chánh kiến.
1. Chánh Kiến
Chánh kiến là bước đầu tiên vì trước hết ta phải thấy rõ ràng chẳng có thể làm gì khác trong cuộc đời này hơn là đi tìm con đường giải thoát khổ đau qua những giới luật tâm linh. Như thế chắc chắn là ta phải tìm cho được những giới luật đúng để giúp ta biết được mình đã làm gì sai. Những chướng ngại của chúng ta là khổ đau, thất vọng, áy náy, cảm giác không trọn vẹn. Có một khoảng trống trong trái tim ta cần được phủ lấp bằng một hay nhiều người, bằng tư tưởng, bằng công việc, hay một niềm hy vọng. Rút cuộc không có gì lấp nó đầy.
Khi một điều luật có thể giải thích được tại sao ta phiền não và chỉ cho ta phương cách đoạn trừ phiền não, tiến tới sự an vui, thì các điều luật đó phải rất đáng tin cậy. Hơn nữa, các lời thuyết giảng cũng phải gần gũi với các kinh nghiệm của chúng sanh. Pháp của Ðức Phật có thể làm được những điều đó.
Chánh kiến bao gồm việc nhận thức được rằng tất cả chúng ta đều có thể thực sự tu sửa để tiến tới giải thoát. Chánh kiến cũng có nghĩa là hiểu biết về nghiệp, biết rằng chỉ có ta chịu trách nhiệm về tất cả những gì đã xảy ra cho ta, không đổ thừa hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác hay bất cứ thứ gì ở bên ngoài ta. Có nghĩa là ta làm chủ nghiệp của ta. Rằng chỉ có ta có thể thay đổi được nghiệp của mình.
Biết rằng ta có thể thay đổi không chưa đủ, cần phải có quyết tâm thay đổi. Ðó là hai cách nhìn đúng: hiểu biết về nghiệp và ước muốn thay đổi để thoát ra khỏi những khổ đau. Không phải là thay đổi thế giới ta đang sống, hay người chung quanh ta mà là thay đổi chính bản thân. Ta không thể thay đổi được vấn đề, nhưng ta có thể thay đổi phản ứng của mình trước một vấn đề. Ngoài ra ta còn có thể dần dần đi hết con đường Bát chánh đạo để đạt được một chánh kiến về tự ngã, đó là vô ngã.
Ta cần có trí tuệ để thực hành các giới luật tâm linh. Không có trí tuệ để biết mình cần phải làm gì, ta sẽ không thể tu Thiền.
Vì có khổ đau con người mới có cơ hội để thực hành. Thay vì lúc nào cũng trốn tránh mọi phiền não, cố gạt chúng ra khỏi mắt ta hay than khóc, đau đớn vì chúng, ta nên mang ơn chúng. Ðó là người thầy tốt của ta. Vị Thầy duy nhất của ta, nhưng tiếc thay không phải ai cũng biết học hỏi từ thầy mình.
Có nhiều cách để đối phó với khổ đau. Cách đầu tiên và cũng là thông dụng nhất là đổ lỗi cho người khác. Ðiều đó thì dễ rồi. Mọi người không ít thì nhiều, đều hành động như thế, nhưng cách đó hơi trẻ con. Cách thứ hai để đối phó với khổ đau, thất vọng là trở nên chán nản, đắm chìm trong khổ đau. Cách thứ ba là tự thương hại mình, cảm thấy như mình là người đang mang những nỗi khổ đau của cả thế giới. Không có ai đau khổ bằng mình, việc đó rõ ràng không đúng sự thật. Khi ta tự thương thân trách phận, ta cũng muốn cho người khác phải khổ đau như ta. Nhưng hoài công. Hành động như thế ta chỉ làm cho người khác khó chịu, bực mình. Một cách đối phó nữa với đau khổ là nghiến răng, đè nén tình cảm và làm như nó không có mặt. Cách đó cũng không giải quyết được gì vì làm ngơ thì chẳng giải quyết được gì cả.
Cách thứ năm là nhìn thẳng vào khổ đau, và nói rằng: "Ồ, bạn cũ của tôi lại đến rồi. Lần này tôi sẽ học được gì đây?". Ðó là chánh kiến. Lúc đó ta mới thật sự hiểu rằng cõi người là cõi tốt nhất cho sự Giác ngộ. Khổ đau là người thầy tốt nhất của ta vì nó sẽ nắm chặt lấy ta, nhấn chìm ta trong đau khổ, cho đến khi ta học được điều gì từ đó. Lúc ấy, sự đau khổ mới buông thả ta. Nếu ta không học được gì trong sự đau khổ đó, chắc chắn là lần sau nó lại đến với ta nữa, vì cuộc đời có gì khác hơn là một lớp học cho người lớn. Nếu ta không qua được một môn gì đó, chắc chắn ta phải ngồi lại đó mãi. Bài học nào ta vắng mặt, ta sẽ gặp lại nó. Ðó là lý do tại sao ta bắt gặp mình nhiều lần phản ứng cùng một cách trong những hoàn cảnh tương tự. Tuy nhiên rồi cũng có lúc ta nhận ra điều đó, và chánh kiến phát sinh: "Tôi phải làm cái gì đó để tự thay đổi. Tôi cứ gặp phải vấn đề này mãi "
Chánh kiến là nền móng căn bản ta phải có để bước vào con đường đạo. Chánh kiến lúc mới đầu chưa giúp ta có cái nhìn đúng về tự ngã. Phải đợi đến một lúc sau. Căn bản, chánh kiến liên quan đến hai sự thật đầu tiên trong Tứ diệu đế. Khi ta thấy đúng sự thật là ta đang ở trong một cuộc chiến vô vọng nếu ta cứ tiếp tục đòi hỏi dục lạc, và bảo vệ cho cái tôi của mình, đó là ta đang đi trên con đường đạo. Ðó là lúc ta bước vào đạo, và đó là giây phút tuyệt vời. Lúc đó ta cảm thấy chắc chắn rằng ta đã tìm ra con đường đạo, và chắc chắn là ta sẽ đạt được kết quả cuối cùng. Chỉ còn vấn đề thời gian. Cảm giác vui mừng đó cần thiết cho việc tu Thiền, và tu Thiền là điều kiện tiên quyết để đi trọn con đường.
Mỗi chúng ta là một minh chứng cho lời Phật dạy. Chúng ta có đau khổ, có tham muốn, nhưng chúng ta cũng có chánh kiến và có thể nhận biết nghiệp quả của mình. Chúng ta có thể thay đổi và biết học hỏi từ những kinh nghiệm khổ đau trong quá khứ. Có rất nhiều cách để ta chứng minh lời Ðức Phật dạy, nếu chúng ta để ý quan sát đủ. Ðiều đó tạo cho chúng ta niềm tin rằng ta có thể đi đến cuối con đường của Bát chánh đạo. Lòng tự tin này rất cần thiết cho sự tu tập của ta. Tự tin không có nghĩa là cao ngạo, mà là độc lập. Mỗi người chúng ta phải tự tìm sự giải thoát cho chính mình.
Ðức Phật dạy rằng ta không nên nghe theo lời Phật dạy một cách mù quáng mà phải tự tìm hiểu và chứng nghiệm được những điều Phật dạy. Trong bài Kinh Kalama nổi tiếng, Ðức Phật đã nói về mười lý do ngăn trở ta đi theo con đường tâm linh. Những điều này cũng có thể áp dụng cho chúng ta ngày nay cũng như cho dân tộc Kalama trước đây. Chúng mang đầy ý nghĩa đối với ta bây giờ cũng như trước đó.
Người Kalama đã đến gặp Phật khi Ngài đến viếng thủ đô của Kesaputta và họ thưa với Ðức Phật: "Bạch Thế Tôn, đã có rất nhiều vị giáo chủ đến thành phố của chúng con, mỗi vị đều có những giáo lý làm chúng con tin tưởng được. Tuy nhiên các vị giáo chủ lại bác bỏ, thoá mạ lẫn nhau. Giờ thì chúng con hoàn toàn không biết tin vào ai nữa. Chúng con rất hoang mang". Ðức Phật nói: "Hỡi người Kalama, các người có nghi ngờ, thắc mắc là đúng". Rồi Ðức Phật giảng cho họ về năm giới luật, và hỏi họ rằng có phải họ sẽ được hạnh phúc nếu họ giữ theo năm giới luật này và đau khổ nếu họ phạm giới. Người Kalama đồng ý với Ðức Phật như thế. Lúc đó Ðức Phật thuyết, "Ðừng bao giờ tin vào kinh điển, chỉ vì chúng đã được đọc tụng; biên chép hay được các Thầy truyền trao xuống, hay vì mọi người chung quanh chúng ta đều tin; cũng không nên tin vì chúng có tính cách huyền bí hay chúng giống như những điều mình vẫn tin tưởng, hay vì chúng hợp lý. Cũng đừng tin vì đó là những quan điểm mình cần bênh vực; hay vì người nói là một vị thầy nổi tiếng hay chỉ bởi vì vị Thầy mình đã nói như thế".
Sau khi nghe lời giảng của Phật, người Kalama trở nên đệ tử của Ðức Phật. Những lời hướng dẫn đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay. Ðừng tin tưởng vào điều gì đó vì nó là truyền thống, hay vì mọi người quanh ta tin, hay vì chúng đã được viết trong sách vở, nhưng Ðức Phật nói chỉ nên tin sau khi ta đã tìm hiểu và nhận biết rằng điều đó có ích và đúng.
Rõ ràng là ta đã tìm thấy đau khổ nơi chính bản thân và càng hướng vào bên trong để suy gẫm, ta càng thấy có nhiều bất như ý. Nhưng khi chúng ta không còn muốn biến sự đau khổ của cá nhân mình thành niềm vui cho chỉ riêng mình, thì sự xung đột sẽ biến mất, khổ đau sẽ qua đi. Chấp nhận mọi việc như chúng xảy ra cũng là chánh kiến.
Những người Bà la môn, các thầy cúng ở Ấn Ðộ thời đó, không thích Phật vì Ngài đe dọa cách kiếm sống của họ. Ngài dạy rằng con người không cần phải có người làm trung gian giữa họ với đấng thần linh, mới có được hạnh phúc, và việc đổ hương lên các thần đá, hay dâng cúng hương hoa đều vô ích. Vì đó là cách kiếm sống của người Bà la môn, nên dù cũng có nhiều người Bà la môn sau trở thành đệ tử Phật, số khác không khỏi có lòng thù hằn Ðức Phật.
Một hôm, một trong những người Bà la môn thù Phật đã đến chỗ đức Phật đang thuyết giảng, đi qua đi lại trước mặt đức Phật. Rồi ông ta dùng lời lẽ thô tục để chửi mắng Phật. Ông ta cho rằng Phật đã truyền dạy những giáo lý sai lầm, Phật đáng bị đuổi ra khỏi nước, rằng Phật đã phá vỡ nền tảng gia đình vì những người trai trẻ đi theo Ðức Phật trở thành các vị tu sĩ, rằng dân chúng không nên ủng hộ Phật; nghĩa là ông ta mạ lị Phật bằng đủ mọi lời lẽ.
Khi người Bà la môn đã hết lời chửi bới, Ðức Phật, người từ nãy giờ đã ngồi im lặng nói: "Này, ông Bà la môn, ông thường có khách đến nhà không?" người Bà la môn trả lời: "Dĩ nhiên tôi luôn có khách đến nhà". Ðức Phật lại nói: "Khi có khách trong nhà ông có tiếp đãi họ không? Có cho họ đồ ăn, uống không?" Người Bà la môn trả lời: "Dĩ nhiên rồi, dĩ nhiên là tôi cho họ đồ ăn, thức uống". Ðức Phật lại tiếp: "Vậy nếu họ không nhận sự tử tế ấy, họ từ chối những đồ ông cho, thì những món đồ đó thuộc về ai?" Người Bà la môn nói: "Của tôi, của tôi" Ðức Phật nói: "Ðúng vậy ông Bà la môn, khi ta không nhận những món đồ của ông. Chúng thuộc về ông".
Ðây là một câu chuyện đáng cho chúng ta nhớ. Bất cứ sự công kích, sân hận đe dọa nào, đều thuộc về người nói ra những lời ấy. Chúng ta không phải nhận chúng là của ta.
2. Chánh Tư duy
Phần thứ hai trong Bát chánh đạo là Chánh Tư duy. Chánh tư duy là kết quả của chánh kiến. Nếu có tà kiến, thì không thể nào tư duy đúng. Do đó ta phải cẩn thận với những suy nghĩ của mình. Tất cả mọi tư duy đều bị ảnh hưởng của ngã chấp. Ta nhìn mọi sự theo quan điểm của "theo tôi thấy", vì vậy dầu quan điểm của ta đúng trong đời thường, trong đời sống tâm linh hành xử như thế cũng là không đúng. Tuy nhiên ta phải bắt đầu từ cái mình có. Không thể ngồi chờ đến ngày sự hiểu biết của ta tiến bộ hơn. Ngày đó sẽ chẳng bao giờ đến, nếu ta không bắt đầu tu sửa ngay từ bây giờ.
Hạnh phúc, an lạc không phải sinh ra là ta đã có được. Phải qua bao kiên trì cố gắng tu tập, ta mới có được. Cố gắng để làm sao ta luôn có chánh kiến, từ đó đưa đến sự suy nghĩ đúng. Chánh kiến và chánh tư duy là phần trí tuệ của Bát chánh đạo.
Trước khi Ðức Phật Giác ngộ, khi Ngài còn là một vị Bồ Tát, Ngài luôn theo dõi tất cả những hoạt động của tâm, và Ngài nhận ra rằng khi các ác kiến, sân hận, ái dục phát khởi trong tâm, thì chính Ngài là người đau khổ. Nhưng khi Ngài có những tư tưởng xả bỏ từ bi, vô nhiễm thì chính Ngài là người được lợi ích. Từ đó Ðức Phật đã rèn luyện tâm đến chỗ Ngài có thể đoạn diệt hết mọi tà kiến.
Chánh tư duy có ba đặc tính: xả, từ và vô nhiễm. Ta không thể có tâm xả chỉ bằng ao ước hay tự đè nén. Mà phải dùng chánh kiến suy nghĩ rằng ái dục chỉ đem lại khổ đau. Nếu ta có thể thực chứng điều đó ngay nơi bản thân thì tự nhiên ta sẽ buông bỏ mọi tham muốn dấy khởi. Và ta sẽ làm điều đó một cách vui vẻ, cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái khi buông bỏ mọi phiền não, khổ đau.
Lòng tham muốn bao giờ cũng mang lại khổ đau, vì nó chỉ dấy khởi khi ta không có được cái mà ta muốn có. Có thể là vật chất hay tinh thần, không quan trọng. Nhưng đó là điều ta không có, nên ta ao ước, do đó ta coi sự thiếu sót đó là một khổ đau. Ðến khi không được toại nguyện, thì ta buồn bực, tuyệt vọng, đau đớn, khổ sở. Rõ ràng là ta khổ vì ta không được cái ta muốn.
Tuy nhiên khi đạt được điều mình mong ước, ta cũng bị phiền não vì theo kinh nghiệm quá khứ, ta biết là sự thỏa mãn, toại nguyện không thể kéo dài.
Có rồi, ta lo lắng tìm cách để giữ lại bên mình, để duy trì nó. Lo lắng là khổ, mà khi cái ta được mất đi thì ta cũng khổ.
Khi cố gắng để duy trì một cái gì đó đều đem đến cho ta sự căng thẳng, sợ hãi. Thí dụ như ta lo sợ phải đánh mất người thân, của cải, tình cảm hay hoàn cảnh thuận lợi. Lo lắng, sợ không có được điều ta mong muốn. Khi đã thực chứng cái khổ này trong ta, ta sẽ có thể buông bỏ chúng. Sự bám víu vào người, vào vật ta không muốn xa lìa, l&agr
| ||||||||
|