Người Huế lặng lẽ cúng âm hồn

Đăng ngày: 25/06/2014 21:21
Trong những ngày này, kéo dài từ 23 – 30/5 âm lịch, các gia đình người Huế lại lặng lẽ tổ chức lễ cúng âm hồn, ngày giỗ chung quy mô và dị biệt nhất trên thế giới, để tưởng niệm những nạn nhân trong biến sự Thất thủ Kinh đô Huế vào năm 1885. Hơn 100 năm đã qua, ngày lễ này đã trở thành tập tục thường niên của người dân Huế.
Người Huế cúng âm hồn dịp lễ 23/5 âm lịch.

Lật lại sử cũ, người Huế nào cũng có thể nhớ đến ngày Thất thủ Kinh đô Huế, 23/5 năm Ất Dậu (ngày 05/7/1885).

Đây là ngày triều đình Huế, với lập trường kiên định đánh Pháp của đại thần Tôn Thất Thuyết, đã chính thức tuyên chiến với quân đội thực dân Pháp, sau gần 2 năm giằng co giữa 2 phái chủ chiến và chủ hòa.

Đại thần Tôn Thất Thuyết đã tổ chức 1 cuộc phản công lớn, đánh thẳng vào sào huyệt quân Pháp ở đồn Mang Cá và khu Tòa Khâm bên sông Hương, song do khí giới sút kém, nên bị thất bại. Quân Pháp thừa cơ tấn công vào Kinh đô Huế, tàn sát nhân dân. Một cuộc chạy loạn bi thảm đã xảy ra với quân dân xứ Huế, với hàng ngàn người chết trong khói lửa chiến tranh.

Kể từ đó đến nay, năm nào đến dịp 23/5, người Huế cũng long trọng tổ chức lễ cúng tế chu đáo, tưởng niệm những oan hồn binh lính, thường dân đã ngã xuống. Việc cúng lễ này, cũng tùy thuộc các đơn vị tổ chức, có thể là phường hội nghề nghiệp, hay hàng xóm lân bang 1 khu vực, cùng làm nghi lễ, cũng có thể do mỗi gia đình tự bày cúng. Thời điểm cúng chính sẽ là ngày 23 tháng 5 âm lịch, nhưng các gia đình có thể tùy sắp đặt từ 23 đến 30/5.

Cửa Đông Ba, nơi người dân Huế bị thảm sát nhiều nhất trong đêm 23/5 Ất Dậu (ảnh tư liệu).

Phương thức cúng lễ theo dân gian truyền bá, là dựng rạp hoặc bày bàn cúng ngoài trời. Mâm lễ cúng thường có chè, cháo, gạo muối, hoa quả, nhang trầm, trà rượu, cau trầu, giấy tiền vàng bạc, áo binh ngũ sắc... Ðặc biệt, nghi lễ luôn có 1 bình nước lớn và 1 đống lửa đốt bên cạnh bàn cúng, vì người Huế cho rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa, bởi đã chết khát, chết lạnh lẽo dưới ao hồ trong đêm thảm sát đau thương.

Theo các nhà nghiên cứu Huế, đây thực sự là 1 mỹ tục tự phát của người dân Huế, thắm đượm tình nhân đạo, nghĩa đồng bào, đồng chủng, xuất phát từ tấm lòng nhân hậu và tính nhân bản trong nhân dân xứ Huế.

Dù đã qua bao biến động thăng trầm, nhưng người Huế hàng năm đều không bao giờ quên đi ngày giỗ đau thương này, gia đình nào cũng cung kính lễ bái bởi cảm thương những nạn nhân chiến tranh, cho rằng oan hồn của họ mãi bơ vơ vất vưởng, không có ai cúng cấp…

Một hội nghề tổ chức cúng âm hồn 23/5 trên đường phố Huế (ảnh tư liệu).

Bởi thế, những ngày này, bất kỳ du khách nào đến Huế, cũng phải ngạc nhiên khi nhìn thấy khắp nơi, những bàn cúng lễ được bày biện trang nghiêm, hương trầm nghi ngút tỏa cả đêm lẫn ngày. Có thể nói, trên thế giới hiện nay hầu như không có nơi nào duy trì 1 tập tục mang đậm ý nghĩa nhân bản như vậy.

Thậm chí, đã có nhà nghiên cứu đề nghị Huế nên xem xét xây dựng những hoạt động văn hóa, chương trình lữ hành du lịch nhằm giới thiệu cặn kẽ, đích xác hơn hình thức hoạt động văn hóa quý giá này.

BizLive mời bạn đọc cùng đến Huế, để tận mắt theo dõi 1 lễ hội dân gian mang màu sắc dân tộc đậm nét, tiêu biểu cho một vùng đất văn vật.

Các mâm lễ cúng âm hồn 23/5 đều được bày biện ngoài đường phố.
Một đống lửa đốt lên và 1 thau nước sạch luôn là phần nghi lễ không thể thiếu.
Cơm nắm, trái cây, giấy tiền vàng mã... đều được bày biện chu đáo.
Những người dân Huế đều cúng lễ âm hồn 1 cách thành kính đầy xót thương (ảnh tư liệu).

Sau khi cúng lễ, các loại áo binh ngũ sắc, giấy tiền vàng bạc đều được đốt để hiến cúng đến các âm hồn nạn nhân.

Một gia đình Huế thỉnh lễ vật vào nhà sau lễ cúng âm hồn 23/5.


Văn tế Âm hồn

Nào hồn đông hồn tây, hồn nam hồn bắc, chẳng đâu không gọi hồn về.

Hỡi cô phu, cô phụ, cô tử, cô thần, may hãy còn mình, mình cúng

Cúng cha anh chú bác, thím mợ cô dì ta cả thảy,

Đâu đoàn sau cùng đâu đoàn trước, tình nhất sinh nhất tử sơ khác gì thân.

Này hương hoa vàng giấy, xôi rượu muối trà, chút gọi rằng nếm lấy hơi,

xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào, thác xem như sống.

Hỡi tinh linh các đấng, phòng trì cho Tổ quốc trường tồn

Này quốc ngữ đôi hàng, ao ước những chí thành năng động.

Thương ôi ! Xin hưởng !

(Trích đoạn Văn tế âm hồn Thất thủ Kinh đô Huế - Nguồn dân gian).

Nguồn: BizLIVE

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn