Vu lan – Ngày sinh nhật của cuộc đời, đời người
Đăng ngày: 30/05/2014 17:06
“Ru hời ru hỡi là ru,
Bên cạn thì chống, bên su (sâu) thì chèo”.
Lời ru năm xưa, mẹ ru con từ thuở chào đời là gia tài đầu tiên con đón nhận như một hành trang để cất bước vào đời. Có lẽ mẹ cha tiếp nhận sự thật lý Duyên khởi mà xưa kia Đức Phật từng chứng ngộ dưới gốc cây bồ đề để trao truyền cho con khi vừa hiện hữu giữa cuộc đời. Chính nhờ đó mà lúc con lớn lên, trưởng thành với hành trang lý Duyên khởi nên khi giáp mặt sự thật khổ đau mà có phương thức chèo chống để vượt thoát. Và như thế, ngày Vu lan là ngày báo hiếu, càng làm con thấm hiểu công ơn trời biển mẹ cha không chỉ sinh ra hình hài mà còn nuôi dưỡng, hướng tâm con tiếp nhận nguồn sống đạo lý giác ngộ giữa cuộc đời. Ngày Vu lan trở thành ngày “sinh nhật” của cuộc đời, của đời người; ngày đẹp nhất của nghĩa sống, tình thương và hiểu biết mà con người luôn khát khao và mong chờ.
Như con tim nắm giữ sinh mệnh của một con người, tình thương và hiểu biết nắm giữ sinh mệnh của nghĩa sống, là linh hồn của văn hóa nhân loại hướng đến đạo lý giác ngộ. Có thể nào có một nền văn hóa hướng thượng giải thoát mà không bắt đầu từ tâm hiếu được khơi nguồn bằng tình mẹ ngọt ngào, tình cha nghiêm từ. Thế nên, không phải ngẫu nhiên Đức Phật từng đảnh lễ đống xương khô bên đường với tất cả tấm lòng thành kính khiến chúng Tăng tháp tùng theo Ngài phải ngạc nhiên. Đức Phật lý giải đống xương khô đó từng là cha, là mẹ, là bà con huyết thống của chúng ta mà kinh điển từng ghi: “Vô thỉ luân hồi, chúng sinh từng là cha, là mẹ, là anh, là chị, là em… của mọi người”. Rõ ràng, Vu lan là ngày mà bất cứ ai sống trên hành tinh này cũng đều có thể tự lý giải vì sao mình được hiện hữu được giữa cõi đời này.
Thế nên, trong cuộc hành trình về miền đất an lạc, khi con cất tiếng khóc chào đời là lúc mẹ cha nở nụ cười. Người mẹ đã nuôi dưỡng, ấp con ủ con bằng cả tình thần và thể chất của mình cùng với sự chia sẻ trách nhiệm, ân cần dạy dỗ của người cha. Mẹ cho con những dòng sữa ngọt lịm với tình thương dạt dào, bao la vô bờ bến. Mẹ quên đi thời con gái kiêu sa, lo mớm cháo, cơm nước với tâm trìu mến, cho con từng cử chỉ âu yếm, những ánh mắt khích lệ, dìu con từng bước đi, cho đến khi khôn lớn chập chững vào đời. Còn cha thì nghiêm nghị bởi phải vất vả kiếm tiền, lo từng bữa ăn, dạy cho con từng điều khôn lẽ phải với tất cả đạo lý làm người. Hầu như toàn bộ hành trang vào đời của người con bắt đầu từ buổi bình minh cuộc sống đều thuộc về bố mẹ. Tình sâu nghĩa nặng ấy đủ cho con tự tin sống với mọi người, ở bất cứ nơi nào, luôn vững bước trên đôi chân của chính mình.
Xem ra, lý duyên khởi mẹ cha dạy cho con từ thuở nằm nôi, từ tiếng ru ngọt ngào năm xưa đã minh định cho con hiểu rằng “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” để con đủ nghị lực giáp mặt sự thật cuộc đời đầy biến động này. Mọi quan hệ tốt đẹp và bền vững giữa con người với con người, với thiết chế xã hội, thiên nhiên đều bắt nguồn từ tâm hiếu. Mọi trách nhiệm cá nhân, lương tâm con người, sự bao dung, độ lượng, vô ngã vị tha trong suối nguồn giải thoát đều tuôn chảy khi tâm hiếu vận hành. Cho nên, từ khi chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, vẫn không bao giờ con đi hết những lời mẹ ru năm nào:
“Dù cho đi hết cuộc đời,
Vẫn không đi hết những lời mẹ ru”.
Rõ ràng, ân cha nghĩa mẹ là cao quý, thiêng liêng vô cùng. Nó không chỉ là lẽ sống bình thường của con mà còn là hành trang đưa con thể nhập sự thật giải thoát. Sự hiếu thảo đối với mẹ cha có giá trị ngang bằng với việc tu tập giải thoát tự thân, đem lại hạnh phúc cho chính con trong cuộc hành trình trên nẻo về của ý. Con ý thức rõ, cha mẹ còn là Phật còn hiện hữu bên con. Phật còn là ánh sáng chân lý chiếu rọi trên mọi nẻo đường con cất bước chân đi. Cho nên, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi ca dao Việt Nam hát khúc nhạc tình người, tình giải thoát trong đạo hiếu chính là đạo Phật:
“Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
Thế là cứ mỗi mùa Vu lan trở về là mỗi lần con thắp lên ngọn nến lung linh kỷ niệm ngày sinh nhật của cuộc đời. Ngày đó, con kiêu hãnh tự hào nhận ra và trưởng thành từ suối nguồn hiếu đức mà con tiếp nhận:
“Vui thay hiếu kính Mẹ,
Vui thay hiếu kính Cha,
Vui thay kính Sa môn,
Kính bậc Thánh vui thay!”.
(Pháp Cú kệ 332)
Đức Phật thành đạo và các bậc Thánh chứng ngộ đều bắt nguồn từ tâm hiếu thảo. Thế nên, sau khi giác ngộ, Phật đã canh cánh trong lòng trở về độ phụ vương Tịnh Phạn trước khi vua băng hà. Kết quả vua đã chứng đắc A la hán trước lúc xả báo thân. Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…, nói chung các đệ tử của Thế Tôn cũng thế, tất cả đều lấy đạo hiếu làm đạo giải thoát. Có ai thành Phật mà không bắt đầu sự sinh thành hình hài thân mạng và nuôi dưỡng giáo dục từ tấm lòng của mẹ cha. Rõ ràng, tâm hiếu là tâm tu căn bản nhất mà từ đó, các thiện pháp phát sinh và tâm giải thoát thành tựu. Hiếu hạnh là đức hạnh đứng hàng đầu trong các đức hạnh. Mọi giá trị tốt đẹp và thiêng liêng hiện hữu giữa cõi đời này đều bắt nguồn từ tâm hiếu. Mọi giá trị khác nếu có mặt ở đời cũng phải xoay xung quanh giá trị này.
Nếu như thế thì hạnh phúc chân thật của cuộc đời này đều được thiết lập trên nền tảng tâm hiếu là tâm Phật. Nếp sống hướng thượng, giải thoát mà Đức Phật giới thiệu cho chúng ta tu tập và hành trì không ngoài đạo hiếu. Có hiếu thảo là có sự giải thoát. Vì thế, kinh Địa Tạng đã giới thiệu hạnh tu giải thoát khởi đầu bằng hạnh hiếu của con người. Từ nơi tâm hiếu tu hành mà thăng hoa thành từ tâm, bi tâm, giải thoát tâm. Ngày Vu lan trở thành ngày “sinh nhật” của cuộc đời giải thoát khổ đau là vậy.
Cuối cùng, điều chúng tôi muốn nói, chừng nào con người còn khát vọng hạnh phúc, chừng đó con người còn khát vọng thực thi hạnh nguyện “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”. Ngày Vu lan là ngày chúng ta thắp lên ngọn nến báo hiếu mẹ cha nhiều đời, cha mẹ hiện tiền; ngày mỗi người tự thân kết nối tình quê hương, nghĩa làng xóm, tình đồng loại, ở đó tính nhân văn cao cả của con người, tính giải thoát được hiển bày. Kỷ niệm Vu lan là kỷ niệm sinh nhật của đời người như thế thì thật có giá trị và ý nghĩa biết bao!