Cha mẹ là những vị Bồ Tát

Đăng ngày: 30/05/2014 16:59
(PGVN) Biết là mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa nhưng với những dư âm còn lại là suốt cả cuộc đời con không nỗi nào quên được cái tình thương chan chứa vô tận như vầng nhật nguyệt mãi vọng về trong đêm tiết trời vào thu.
Mẹ có nghĩa là duy nhất, bắt đầu cho một cuộc lữ hành đối với con. Cha mẹ là những tâm hồn chất vị của bồ tát đã dành cả tấm lòng tình thương mà không cần đắn đo suy tính và đòi hỏi lại bao giờ. Tất cả những gì cha mẹ có, cha mẹ luôn giữ lại ban tặng cho con. Em tôi chính là biểu tượng tình cảm thiêng liêng của cha mẹ.

Những ngày tháng khó khăn nhất của gia đình, cha mẹ đã không gục ngã trước bao cơn bão đời, giông tố. Cha mẹ còn vững tâm nâng niu các con lớn lên và trưởng thành. Em tôi vừa mới sinh ra mười lăm ngày thì ba mất đi, để lại cho mẹ một món quà vô giá, điều vô giá đó được đầy đủ nhân duyên có mặt. Ánh mắt đầu đời của trẻ thơ và lần cuối cùng nhìn thấy hình hài của con trong khoảng lặng, rồi vẫy chào trần thế. Em tôi là một niềm yêu thương duy nhất của cha mẹ, để các anh chị em xích lại gần nhau trong tinh thần của một gia đình xóm biển.

Bởi chính trong những mùa mưa bão, trưa hè, vào trường… mẹ luôn là người phụ nữ gánh đỡ bao lo toan, hy sinh để đổi lại thời gian chăm sóc cho các con sớm “mở mắt với cuộc đời”. Mẹ tôi tuy quê mùa, gầy gò, ít học thức, không được như bao bạn bè cùng trang lứa nhưng chính hôm nay mẹ là nguồn sống, niềm tin để các con bước vào đời một cách an toàn.

Những ngày đầu mới bước vào mùa thu như mọi năm, mẹ thường chuẩn bị lên đường buôn bán nhọc nhằn và làm những thực phẩm để có thể dành lại vào mùa đông. Cứ mỗi dịp đi như vậy, mẹ không khỏi bận lòng vì để các con và em tôi ở nhà một mình. Tôi cũng rất nhớ mẹ và lo lắng cho mẹ, sợ mẹ bị ốm trên đường và nhớ hơn nữa là người bố tần tảo mưu sinh nay đã không còn.

Mỗi khi nhớ về hai đấng song thân của mình, tôi thường chắp đôi tay lại nguyện cầu Bồ tát Quán thế âm. Xin bồ tát gia hộ, che chở cho mái nhà tranh liêu xiêu nhỏ bé không bị thấm mưa và giúp cho mẹ có sức khỏe, nghị lực để cho cả nhà còn có cơ hội tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

Có lúc ta quên nhìn mắt Mẹ, còn chờ ta mỏi ngóng đêm sâu .

Có lúc ta quên nhìn dáng Mẹ, chợt quạnh hiu ngày ta bước vào đời ...

Nỗi bất hạnh của em tôi thiếu đi người ba thân yêu và nỗi cô đơn của mẹ trong lúc chiều hôm chưa vơi. Thế là có một hôm mẹ đổ bệnh nặng, bao giọt nước mắt cứ ùa về trên khóe mắt, làm mái tóc như nặng trĩu thêm. Trời ơi! Tôi nghĩ quẩn, như thế là cuộc đời của em tôi đã dừng lại ngang đây, từng giọt tình thương hứa hẹn vào ở tương lai sẽ không còn trên mỗi bước chân đi.


Mẹ chuyển bệnh, khi trong nhà tài sản còn lại duy nhất là mấy cái nồi nhôm có giá trị nhất, có thể đem đi bán chạy thuốc cho mẹ được vài hôm, thậm chí vài nương khoai mẹ mới gieo xuống tháng trước cũng phải đi tìm người năn nỉ đổi lấy một vài lon gạo cám nấu cháo cho mẹ và san sẻ cho em tôi qua cái ngày đói.

Bắt đầu từ khi em tôi ra đời đến lúc mẹ lâm bệnh là mười năm, mười năm ấy là những tháng ngày vui, hạnh phúc của mẹ tôi vì bà biết con mình đã được khôn lớn. Nay mẹ bệnh thì cả nhà thật bùi ngùi, như cánh cửa sắp đóng chặt lại, ai cũng lo lắng về tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu em tôi hiểu mẹ đang bệnh nặng, chắc có lẽ nó sẽ gào thét lên nhiều lắm nhưng với người nhà ai cũng phải ý thức giấu đi nỗi buồn, kể cả báo tin cho em tôi hay.

Trời đổ mưa không ngớt, cái se lạnh của mùa thu ở quê nhà càng làm cho tâm tư sầu nặng và chỉ biết cầu nguyện trong mọi giây phút, mong ra năng lượng từ bi của các vị bồ tát mở lòng cứu chữa những thương đau của mẹ và cho em tôi đang còn lênh đênh nhỏ dại. Thế là gần một năm mẹ phải nằm suốt trong bệnh xá để điều dưỡng.

Thời gian qua dần, vết thương của mẹ cũng lành lặn, các anh chị em mừng vui khôn xiết và em tôi cũng được gặp lại mẹ. Trong làn gió thu heo hắt, trong tấm chăn êm, trong những giọt nước mắt chưa nguôi của em tôi khi được ôm mẹ mỗi đêm và được mẹ đưa cắp sách tới trường như bao bạn bè trong xóm.

Không được bao lâu cơn bệnh mẹ lại tái phát nhanh, như chợp mắt đã thấy mẹ ngồi trên chiếc xe lăn của bệnh viện Huế. Lòng tôi can đảm hơn bao giờ hết, nhưng rồi cũng xuất hiện nỗi tuyệt vọng vô ngần. Em tôi cũng đang đi du học ở nước ngoài, tôi thì ở nẻo trời xa xăm còn lại thân mẹ gầy trong nỗi đìu hiu vắng vẻ chờ con.

Có lúc ta quên thời gian qua, đường ta càng xa, vòng tay Mẹ ngắn lại.

Có lúc ta nghe từng nhịp đời, Mẹ thật gần sao ta quá xa.

Trước ba hôm tôi nhận được tin báo mẹ lên sốt cao, những hờ hững, những bôn ba nhộn nhịp, những thứ ta đang rất cần chưa thu xếp về bên mẹ được. Mỗi mỗi giờ đi qua cơn đau của mẹ cũng tan biến vào từng khớp xương của con. Em tôi chỉ biết đánh điện từ Canada, Hoa kỳ ghé vào tai của mẹ hai từ “con yêu mẹ” và bao giá trị bị đổ sụp trước bến bờ tử sinh. Những dòng nước mắt chảy giàn dụa như từng dòng suối vô ngôn ào ạt tràn trề chảy mãi đi qua những vách đá ngầm lưu ly.

Có lúc con quên nhìn áo Mẹ, chợt mỏng manh quang gánh chiều đông.

Hát khúc hát ai quên mình có Mẹ, một ngày kia lặng lẽ bên cuộc đời...

Vậy là em tôi được gần cạnh mẹ hai mươi năm, cái thời gian tuy không bao lâu nhưng với tôi, thế là đủ để cho tôi nhận ra tình mẹ mà lời ca dao đã gởi gắm. Thật ngọt ngào, lắm chất thi vị của một bà mẹ qua cuộc lữ hành sáu mươi năm sống còn với bao vất vả, bần hàn, khát khao sự sống của mẹ. Giờ đây mọi thứ như đang bắt đầu với em tôi và tôi. Khi hai suối từ đã ngưng dòng chảy, từng hạt cát dần lấp lại dấu thời gian của ba, mẹ và của em.

 
Thích Pháp Bảo - Kinh Tâm
| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn