Bắt sư dỏm đi “khất thực” liên tỉnh để lừa tiền
Đăng ngày: 18/02/2014 20:34Vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 30/8, nhận được tin báo của quần chúng về việc có một nhà sư nghi là giả đang đi xin tiền của người dân trên đường Nguyễn Xiển, TP. Vinh (Nghệ An), cơ quan công an đã có mặt tại hiện trường để làm rõ lai lịch của vị sư này.
Cơ quan công an đã mời đối tượng này về trụ sở công an phường để làm việc. Ban đầu, đối tượng này một mực chối tội và cho rằng lực lượng công an bắt oan nhà sư. Tuy nhiên, bằng biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng đối tượng Đề đã phải cúi đầu nhận tội.
Đề khai nhận, đã có vợ và 3 con, nhưng do bản tính lười lao động, lại muốn có tiền tiêu nên thường xuyên bỏ nhà lang bạt khắp nơi. Vào khoảng đầu tháng 3/2013, Đề đã gạ mua từ một vị sư giả một bộ đồ nhà chùa, 3 quyển kinh sách, một giấy chứng nhận giới tử cùng với thư ngỏ của chùa Pháp Nguyên mang tên Nguyễn Văn Thân (SN 1969, ở thôn 1, xã Thủy Bàng, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) với giá 200.000 đồng.
Tiếp đó, Đề ra tiệm cạo trọc đầu, thuê chụp ảnh rồi tự dán ảnh của mình lên giấy chứng nhận giới tử và bắt đầu hành trình đi lừa đảo của mình. Để qua mặt bà con hàng xóm, hàng ngày, Đề giấu kinh sách, quần áo nhà chùa vào cốp xe và mặc đồ thường “đi làm”. Lúc đầu, để có thể thực hiện hành vi “xin tiền” của mình, Đề lên các huyện miền núi như Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An) để “hành nghề”.
Lợi dụng vào Phật pháp và sự tin tưởng của người dân, đối tượng đã lừa đảo bằng cách đưa giấy chứng nhận giới tử, kèm theo bức thư ngỏ của chùa Pháp Nguyên với lời kêu gọi ủng hộ để xây dựng, trùng tu lại nhà chùa cũng như nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi để vận động quyên góp tiền của nhân dân và các doanh nghiệp.
Thấy dễ ăn, không cần làm cũng có tiền tiêu, Đề bắt đầu mở rộng địa bàn từ các huyện Quỳ Hợp, Diễn Châu ra tận các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, để lừa đảo. Thông thường, các đối tượng mà Đề nhắm đến là các doanh nghiệp tư nhân, các công ty, thậm chí là đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Khi bắt đầu tiếp cận mục tiêu, Đề thường dừng xe ở một góc khuất, thay bộ đồ nhà chùa rồi tìm nơi gửi xe máy để “hành khất” như một nhà sư thực thụ.
Theo lời khai của Đề, mỗi lần “hành khất”, Đề được nhân dân ủng hộ từ 20.000 đến 50.000 đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra tang vật, phương tiện mà đối tượng sử dụng để lừa đảo, ngoài chiếc xe máy cùng số vật dụng mà Đề mua để hành nghề còn có quyển sổ ghi chép đầy đủ ngày tháng, tên cá nhân, tổ chức đã quyên góp, ủng hộ cho nhà chùa. Theo đó, số tiền mà vị “sư dỏm” này lừa đảo lên đến hàng chục triệu đồng.
Hiện vụ việc đang tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra.
Nghĩa Đàn
| ||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Mạo danh trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh để vận động tiền
- Tìm hiểu về tràng hạt trong Phật giáo (mới)
- PHẬT GIÁO VÀ KHOA HỌC?
- Độc đáo lễ cưới tại chùa của 4 cặp đôi tại Hà Nội
- Ngựa trong văn hóa Phật giáo
- video ảnh - HT Minh Tâm Chứng Minh lễ Hằng Thuận tại An Viễn
- HT Minh Tâm chứng minh lễ Hằng Thuận tại An Viễn - Đồng Nai
- Hành lễ trong thời khắc Giao Thừa Giáp Ngọ
- video ảnh - Phật Tử Cần Thơ hành hương viếng chùa lễ Phật
- Có nên cúng dường tiền cho tăng ni?