Sự kiện hy hữu nhưng không phải là duy nhất

Đăng ngày: 29/01/2014 22:58
GN - Đức Phật thành đạo là một sự kiện trọng đại vì từ đó Chánh pháp - chân lý giải khổ đưa chúng sinh đến bến bờ an lạc - có mặt trên cuộc đời này.

 Nếu có sự ra đời của thái tử Sĩ-đạt-ta mà không có sự Thành đạo thì thế gian đã không diễm phúc có được ba ngôi quý báu Phật, Pháp, Tăng (Tam bảo). Như Đức Phật đã nói: “Như Lai, này các Tỳ-kheo, là bậc A-la-hán Chánh đẳng giác, làm cho hiện khởi con đường trước kia chưa hiện khởi, là bậc đem lại con đường trước kia chưa được đem lại, là bậc tuyên thuyết con đường trước kia chưa được tuyên thuyết, bậc tri đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn các vị đệ tử là những vị sống theo đạo, tiếp tục thành tựu đạo”(Kinh Trung bộ III). 


Cho nên nói: Có một vị Phật ra đời là điều diễm phúc hy hữu! Có một giáo lý cao minh ra đời là điều diễm phúc hy hữu! Sự kiện Thành đạo có ý nghĩa quan trọng không kém sự kiện Đản sinh, đó là thời điểm hoàn tất sự ra đời của một Đức Phật (vì khi mới Đản sinh thì Bồ-tát chưa phải là một vị Phật).

Qua sự kiện Thành đạo của Đức Phật, chúng ta thấy được điều gì? Đức Phật cho biết Ngài không phải là một vị trời (chư Thiên, Thượng đế), Ngài không phải là thần linh đến từ một thế giới khác, mà Ngài là một vị Phật, là một chúng sinh giác ngộ: “Đối với những ai chưa đoạn tận lậu hoặc, Ta có thể là chư thiên với các lậu hoặc đã đoạn tận, Ta có thể là Càn-thát-bà với các lậu hoặc đã đoạn tận…, Ta có thể là con người với các lậu hoặc đã đoạn tận. Ví như bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn ra khỏi nước, đứng thẳng, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiễm, này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy ghi nhớ như vậy” (Kinh Tăng chi bộ).

Trước khi Thành đạo, Đức Phật cũng là một con người bình thường, cũng hiện thân là một chúng sinh như bao chúng sinh khác, nhưng nhờ nỗ lực tự thân, nhờ ý chí tìm cầu giác ngộ, giải thoát mà sau cùng Ngài đã thành tựu quả vị Chánh đẳng giác. Ngài đã trải qua con đường từ bỏ đời sống thế tục, xuất gia tìm thầy học đạo. 

Từ một vị thái tử sống trong cung vàng điện ngọc, nhung gấm lụa là, Ngài đã trở thành vị Sa-môn không nhà cửa, sống khổ hạnh nơi chốn rừng già, tu tập thiền định của ngoại đạo với hai vị đạo sĩ Alara Kalama, thuộc phái Số luận (Samkhya) ở thành Tỳ-xá-ly (Vesali) và Uddaka Ramaputta, thuộc phái Du-già (Yoga) ở thành Vương Xá (Rajagaha). 

Rồi Ngài từ bỏ thiền định ngoại đạo vì thấy đó không phải là con đường chứng ngộ chân lý giải thoát tối hậu. Ngài lại trải qua sáu năm tu khổ hạnh ép xác với năm vị Kiều Trần Như (Kodanna), Bà-phả (Vappa), Bạt-đề (Bhaddhiya), Ma-ha-nam (Mahànàma), Át-bệ  hay Thuyết thị (Assaji) trong rừng Ưu-lâu-tần-loa (Uruvela). Khi nhận thấy con đường khổ  hạnh chỉ  đưa đến sự kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần, làm trí tuệ không thể  sinh khởi, Ngài lại từ bỏ con đường khổ hạnh. Đã từ bỏ con đường hưởng thụ dục lạc nơi chốn hoàng cung, cũng từ bỏ con đường khổ hạnh ép xác, Ngài chọn lấy con đường Trung đạo và tự mình tu tập tìm chân lý giải thoát. 

Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Tất-bát-la (Assatha), Ngài đã hoàn toàn giác ngộ chân lý tối hậu, tìm thấy con đường giải khổ cho chính mình và tất cả chúng sinh. 

Nếu nói trong quá khứ nhiều đời, khi Ngài còn là một vị Bồ-tát, thì trong vô lượng kiếp Ngài cũng là một chúng sinh trải qua quá trình tu nhân nhiều thăng trầm, từng lặn ngụp trôi lăn trong biển khổ luân hồi sinh tử. Nhưng đến kiếp cuối cùng nhờ tìm ra được chân lý, thấy được con đường giải thoát, Ngài đã trở thành một vị Phật, một bậc Đạo sư của Trời, người. Từ đó cho thấy sự giác ngộ tối hậu, sự Thành đạo có thể đến với bất cứ ai có ý chí tìm cầu, có sự nỗ lực tự thân tu tập theo con đường đúng đắn mà Đức Phật đã tìm ra.

Tất cả chúng sinh đều cần có niềm tin tưởng đó. Và không phải như Đức Phật tự dò dẫm tìm ra con đường giác ngộ, chúng ta có diễm phúc là được Ngài chỉ cho con đường giác ngộ ấy, và chỉ cần sự nỗ lực đi theo, đến một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ thành đạo như Ngài. Điều này Đức Phật đã khẳng định trong kinh Diệu pháp liên hoa: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. 

Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Đức Phật dạy, khi nào các đệ tử của Ngài còn sống cuộc đời thanh tịnh đạo hạnh, thì thế gian này không bao giờ thiếu vắng các bậc A-la-hán (là vị đã giác ngộ, giải thoát như Phật). Đức Phật cũng đã từng tuyên bố, Ngài không phải là vị Phật đầu tiên trên thế gian này, và cũng không phải là vị Phật cuối cùng. 

Trước Ngài cũng đã có những vị Phật khác, và sau Ngài còn có những vị Phật khác ra đời, đó cũng đều là những chúng sinh giác ngộ, cũng từ sự tu tập mà nên. Theo kinh Đại bổn và kinh Vị tằng hữu phápthì trong quá khứ lâu xa, cách đây chín mươi mốt kiếp (1 kiếp - kappa, kalpa - bằng đời sống của một thế giới, bằng một ngày đêm của cõi Phạm thiên, bằng bốn ngàn ba trăm hai mươi triệu năm ở trái đất - Theo Tự điển Sanskrit của Amarasimhakosa) có Đức Phật Tì Bà Thi (Vipassi) ra đời; và cách đây ba mươi mốt kiếp có Đức Phật Thi Khí (Sikhì) ra đời. 

Về sau còn có sự ra đời của các Đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhù), Câu Lưu Tôn (Kakusandha), Câu Na Hàm (Konàgamana), Ca Diếp (Kassapa) . Trong đời vị lai, sau khi giáo pháp của Đức Phật Thích Ca không còn trụ thế sẽ có Đức Phật  Di Lặc Từ Thị (Maitreya) ra đời. 

Tưởng niệm ngày Đức Phật thành đạo để nhớ về sự kiện trọng đại nhiều ý nghĩa đó, đồng thời qua đây, người đệ tử Phật nhớ về công hạnh của Đấng Từ phụ Thích Ca, nhắc nhở mình phải sống và tu tập theo gương sáng của Ngài. Người đệ tử Phật luôn tâm niệm mình có khả năng giác ngộ và thành Phật nếu như đi trên con đường mà Ngài đã chỉ dạy. Không tự ti, mặc cảm vì ai cũng có chủng tử Phật, ai cũng có mầm giác ngộ, nếu phát huy tiềm năng đó thông qua Bốn chân lý mầu nhiệm (Tứ diệu đế), phát huy tiềm năng đó bằng Con đường Thánh tám ngành (Bát Thánh đạo), bằng sự chứng nghiệm lý Duyên sinh thì sự kiện giác ngộ hoàn toàn hay Thành đạo không phải là điều cá biệt, duy nhất mà chúng ta cũng có thể dự phần.

Trong kinh Makhàdeva (Trung bộ kinh II), Đức Phật nói chính Bát Thánh đạo là truyền thống mà Ngài để lại cho chúng ta kế thừa, đó là con đường đưa đến giác ngộ, giải thoát, an lạc, cứu cánh Niết-bàn: “Này Ananda, thế nào là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Chính là Thánh đạo tám ngành này, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này Ananda, đây là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập, và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này Ananda, về vấn đề này, Ta nói như sau: Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, hãy tiếp tục duy trì. Các ngươi chớ có thành tối hậu sau Ta”. 

Bây giờ và mai sau, nếu hàng đệ tử Phật vẫn tiếp tục duy trì truyền thống tu tập theo Thánh đạo tám ngành, chính là đi trên con đường dẫn đến giác ngộ, giải thoát, lặp lại sự kiện Thành đạo mà Đức Phật đã từng trải qua.

Thiết tưởng ngày kỷ niệm Phật thành đạo nên được xem là một ngày lễ lớn của Phật giáo trong năm, có thể tương đương với lễ kỷ niệm ngày Phật đản sinh. Bởi vì sự Thành đạo của Đức Phật đã đánh dấu điểm khởi đầu một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mới trong lịch sử tư tưởng tôn giáo và tư tưởng triết học của nhân loại, đặc biệt có ý nghĩa rất lớn đối với những ai đang dấn thân trên con đường tâm linh tìm cầu giác ngộ, giải thoát. Đối với người Phật tử, ngày Thành đạo của Đức Phật đã mở đầu cho sự hình thành ngôi Tam bảo Phật-Pháp-Tăng, nơi đời sống tâm linh của bao người quay về nương tựa. 

Minh Hạnh Đức

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn