Tu hạnh quét rác
Đăng ngày: 29/01/2014 22:49
GN - Hẳn ai cũng biết câu “Con sãi ở chùa lại quét lá đa”, nên hình ảnh người tu quét rác trong sân chùa đã trở nên quá quen thuộc. Đi tu, ở chùa thì phải quét rác. Dĩ nhiên rồi! Nhưng quét rác, việc tưởng chừng như không cần phải học nhiều ấy, mà sao Thế Tôn lại ân cần dạy bảo một cách cặn kẽ.
Nghĩ cũng lạ, tu hành theo suy nghĩ của nhiều người là thực thi và trải nghiệm những gì cao siêu và huyền nhiệm như giữ giới, thiền định cho đến phát huệ, thần thông quảng đại, thấu rõ quá khứ và vị lai. Ít ai ngờ rằng, quét nhà quét vườn cũng là một pháp tu thông dụng - tu hạnh quét rác. Càng ngạc nhiên hơn, người tu hạnh quét rác này lại thành tựu công đức lớn. Như vậy, hẳn trong pháp tu quét rác này ẩn chứa điều gì bí mật mà không phải bất cứ ai quét rác mỗi ngày cũng đều khám phá được. Đức Thế Tôn đã dạy về pháp tu “quét rác” như sau:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Phàm người quét đất thì có năm việc chẳng được công đức. Thế nào là năm? Ở đây, người quét đất chẳng biết ngược gió, chẳng biết thuận gió, lại chẳng gom nhóm, chẳng trừ phẩn, chỗ đất quét lại chẳng sạch sẽ. Ðó là, này Tỳ-kheo! Người quét đất có năm việc chẳng được công đức lớn.
- Lại nữa, này Tỳ-kheo! Người quét đất thành tựu năm công đức. Thế nào là năm? Ở đây, người quét đất biết lý thuận gió, ngược gió, cũng biết gom nhóm, cũng có thể trừ bỏ chẳng để dư sót, khiến đất hết sức sạch sẽ, tốt đẹp.
- Ðó là, Tỳ-kheo! Có năm việc này thành tựu công đức lớn. Thế nên, các Tỳ-kheo! Nên trừ năm việc trước, tu năm pháp sau. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Ngũ vương,
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.289)
Thì ra, quét rác mà “thành tựu công đức lớn” là quét trong chánh niệm. Nhìn bên ngoài, quét rác là một công việc bình thường nhưng nếu biết tu thì đó chính là pháp môn thực tập niệm thân rất hữu hiệu. Chánh niệm sẽ soi sáng thực tại, luôn biết rõ mình đang quét rác. Ngay đó, thân và tâm rỗng rang không còn gì khác, chỉ đơn thuần là rõ biết quét rác mà thôi. Nhờ chánh niệm nên người quét rác biết quét thuận với chiều gió. Không quét ngược gió nên rác đi theo ý của mình. Quét xong phần nào thì gom lại thành đống rồi hốt đi. Đặc biệt là nhờ có chú tâm nên không hề để sót. Quét xong thì mặt đất trở nên hết sức sạch sẽ.
Ngược lại, có người cũng quét rác mà lại thiếu chánh niệm. Quét cho mau để nghỉ ngơi hay làm việc khác. Quét trong bực bội vì phải làm công việc quá tầm thường. Quét trong thất niệm như vậy thì chẳng những không sạch rác bên ngoài mà rác trong tâm lại sanh trưởng nhiều thêm, do đó mà “chẳng được công đức”.
Quảng Tánh
| ||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Tết Sài Gòn trăm năm trước
- Tâm linh người Việt trong khói hương ngày Tết
- Sự thật về tà đạo "Tâm linh Hồ Chí Minh"
- video ảnh - Gói bánh dâng Tam Bảo
- 28 Tết . Gói Bánh Mừng Xuân Di Lặc
- Ý nghĩa “Duy ngã độc tôn”
- Lễ Tất Niên & Kỳ Siêu 26-12 năm Quý Tỵ
- Có nên rút bớt chân hương cho sạch?
- Ý nghĩa và nguồn gốc của hai vị Thần Tài & Thổ Địa
- Những đặc tính tiêu biểu của đạo phật