Từ trước đến nay, mọi người đều tự mình phát tâm mà tin tưởng tu hành, hiếm khi nào bị ép buộc hay bức ngặt mới tu. Nhưng chúng sinh si mê, đôi khi phải có áp lực từ bên ngoài mới chịu hối lỗi mà tín tâm tu tỉnh, đó gọi là “Nghịch tăng thượng duyên”.
Nên bước vào chùa, ta thường thấy hai bên chánh điện thờ hai vị Hộ Pháp và Tiêu Diện, dân gian gọi hai vị này là ông Thiện và ông Ác. Ông Thiện thì hiền lành, trang nghiêm còn ông Ác thì ngược lại rất dữ dằn, ai yếu bóng vía thì không dám nhìn lâu. Cả hai ông Thiện và Ác đều mang nhiệm vụ giữ gìn ngôi Tam bảo, bảo vệ Phật pháp và hóa độ người mê quay về với chánh đạo.
Sách Phật giáo cố sự đại toàn kể rằng: “Ở thành Xá-vệ có trưởng giả tên Tài Đức. Ông có một đứa con trai, mới lên 5 tuổi đã được ông dạy niệm "Nam mô Phật". Đứa bé rất khôn ngoan nên học xong là biết niệm "Nam mô Phật" ngay, do đó được cha rất mực cưng chìu.
Bấy giờ, có một quỷ vương ở ngoài đồng hoang bị đói khát bức bách tìm đến nhà trưởng giả. Thấy đứa bé quỷ bèn bắt đem về đồng hoang tính ăn thịt ngay nhưng đứa bé niệm "Nam mô Phật" nên quỷ vương đột nhiên bị tê liệt, không cách nào động tới đứa bé được. Nhìn cặp mắt hung ác sáng như điện của quỷ bốc lên lửa dữ, đứa bé sợ quá, miệng niệm "Nam mô Phật" không ngừng.
Cứ như thế trong một thời gian dài, quỷ không cách nào làm hại thằng bé như ý mình muốn, nên càng lúc càng nóng nảy và giận dữ.
Đức Phật nghe tiếng đứa bé niệm danh hiệu Ngài bèn lập tức dùng thần thông đến chỗ đồng hoang, phóng hào quang màu trắng để bảo vệ đứa bé. Quỷ vương thấy Đức Phật đến liền nổi xung thiên lồng lộn, nhấc một tảng đá lớn toan ném Đức Phật. Ngài liền nhập Hỏa quang Tam muội chiếu sáng cả quả đất, và trong ánh sáng ấy lại có hóa hiện vô số ức các Hóa Phật. Thế mà quỷ vương ác độc và khó độ vẫn không chịu hàng phục. Bấy giờ, một vị thần Kim Cang thấy thế vô cùng tức giận, một tay cầm chày kim cang, một tay múa một cây kiếm sắc lớn, hướng tới quỷ vương toan chém xuống đầu hắn. Quỷ vương sợ quá, ôm lấy đứa bé, quỳ mọp xuống trước mặt Đức Phật, nói:
- Thế Tôn! Xin Ngài từ bi cứu mạng con!
Đức Phật như người cha lành, dầu gặp người ác hơn thế nữa nhưng nếu đã biết chân thành sám hối, Ngài đều sẵn sàng tha thứ. Thần Kim Cang bèn ra lệnh cho quỷ vương:
- Ngươi còn chờ gì mà chưa quy y Phật, Pháp, Tăng?
Quỷ vương nghe thế rất vui mừng, lập tức thọ nhận tam quy ngũ giới, rồi hướng về thần Kim Cang nói một cách biết ơn:
- Nhờ ngài chỉ giáo cho con nên con mới được uống nước cam lồ, bỏ đường mê lầm mà quay về nẻo chính.
Trưởng giả Tài Đức cũng kịp tìm đến, ôm con xin xuất gia theo Phật. Từ đó ông tu hành rất tinh tiến, tín tâm kiên cố thêm”.
Phật thoại này có hai vấn đề quan trọng cần lưu tâm. Một là uy lực của danh hiệu Phật. Quỷ vương dù hung bạo và dữ tợn đến mấy cũng bó tay trước uy lực danh hiệu Phật. Có thể xem việc niệm “Nam mô Phật” như là một bảo vật phòng thân, nội ma và ngoại chướng đều được hóa giải, tiêu trừ. Những ai thành tâm và tinh chuyên niệm danh hiệu Phật, Bồ tát trong đời sống hàng ngày thì chắc chắn sẽ được gia hộ.
Vấn đề thứ hai là “Nghịch tăng thượng duyên”, điều thuận giúp ta thăng tiến thì dễ hiểu nhưng điều nghịch lắm lúc lại là nhân duyên tốt để ta rèn luyện, phấn đấu đi lên. Cũng như ông Ác hay chư vị Hộ pháp Kim cang, các ngài có bộ dạng rất đáng sợ, thường nhe răng và trợn mắt, tay lăm lăm binh khí sẵn sàng tồi tà phụ chánh, hàng phục ma quân và đưa những chúng sanh cang cường về với chánh đạo.
Chư Phật, Bồ tát từ bi và chư vị hộ pháp Kim Cang hung tợn cũng không ngoài tinh thần phương tiện, thể hiện những phương cách khác nhau nhằm tùy duyên hóa độ chúng sanh. Cho nên, những khó khăn và nghịch cảnh cũng đều là duyên tốt cần phải trân trọng trong quá trình tự hoàn thiện mình, nhằm thăng hoa tuệ giác, thành tựu giải thoát.