Ý nghĩa hoa sen trong đạo Phật
Đăng ngày: 12/11/2013 20:20
Có một điều duy nhất trên đời ta không bao giờ được quên. Nếu bạn quên hết mọi sự khác mà không quên điều này thì sẽ không có gì phải lo. Nhưng nếu bạn nhớ thực hành tất cả sự khác mà lại quên đi điều duy nhất này thì quả thực bạn chưa làm được cái gì. Ví như có một ông quan được vua phái đi làm một việc cho vua ở một nơi nào đó, trong khi ông làm được nhiều điều khác mà điều vua sai thì ông chưa làm, quên làm, thì sao? Có làm được gì chưa? Là chưa làm được gì, vì việc chính ta chưa làm. Cho nên việc quan trong nhất đó là đừng đánh mất tâm mình, muốn vậy ta phải tập tu hành mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Chúng ta nên tâm niệm rằng: Ta Không nên hỵ vọng mình chứng đạo mà hãy hành đạo suốt đời ta. Đừng lầm hiểu chứng ngộ với giải thoát. Mình cứ hành và hành mà thôi thì chứng đạo tự nhiên mà thành, chứ đừng có mong muốn thì khó thành lắm.
Không có một ai đến,
Nhuộm màu cho cỏ cây hóa lá,
Chính tự nó điểm tô
Cành liễu xanh tươi bên bờ suối
Ngàn hoa tỏa thắm trong vườn cây.
Mọi việc tự nhiên mà lưu xuất. Không một ai có thể làm cho ta tốt hơn mà chính ta phải làm. Ta hãy làm sao để không bị dích mắc bởi những thứ từ lục trần mang lại. Mà muốn được như vậy thì ta phải sống như thế nào? Phải sống như cây hoa sen!
Vậy hoa sen có đặc tính gì mà ta cần phải học theo.
Từ xưa đến nay chúng ta đã từng nghe câu ca dao:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong bài ca dao này, Chúng ta cần chú ý gạch dưới những chữ sau. Chúng ta gạch dưới chữ trong đầm, chữ bông trắng, chữ chen, chữ nhị vàng, và câu gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Trong đầm là ở đâu? là ở trong sự uế trược, ở trong cõi ta bà này, nói nhỏ nữa là chúng ta đang ở trong một xã hội, một gia đình hay một đoàn thể mà nơi đó có những thứ làm thân và tâm ta ô nhiễm những đức tính xấu. Quý vị thấy hoa sen sống ở trong bùn, thế mà chẳng hôi tanh mùi bùn, mà còn là hoa đẹp nhất trong đầm nữa chứ. Thế cho nên tất cả chư Phật đi thì đi trên hoa sen, đứng thì đứng trên hoa sen, ngồi thì ngồi trên hoa sen, nằm cũng nằm trên hoa sen, vậy là sao? Bởi vì hoa sen là tướng mà chư Phật là tánh, muốn hiểu thể tánh của chư Như lai thì phải hiểu qua chiếc hoa sen. Do đó, có Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, muốn hiểu Diệu Pháp của chư Như Lai thì phải hiểu qua chiếc hoa sen, ta thấy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa phổ biến rất rộng ở tất cả các chùa trong những thời tụng kinh. Bởi vì muốn hiểu tánh phải hiểu tướng. Chư Phật thì thanh tịnh nên đã thấy chân như, chỉ có chúng sanh còn ô nhiễm nên chưa thấy được chân như. Chúng ta tu theo pháp tịnh độ, nguyện vãng sanh sang cõi Tây phương Cực lạc, cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu, chín phẩm (hạ phẩm hạ sanh…thượng phẩm thượng sanh…) hoa sen là cha mẹ, có cửu phẩm sen vàng. Sen vàng thì sao? thuần khiết một vị. Hoa sen mọc trong bùn mà không bị nhiễm bùn = hoa sen và bùn không hai.
Sau đây chúng ta hay đi tìm tướng để hiểu tánh. Tám đặc tính của hoa sen:
Hoa sen (tiếng Phạn: padma; tiếng Nhật: renge) trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên (svayambhu). Trong Phật giáo Tây Tạng, Mật chú Om mani padme hum có nghĩa là dựa vào đường tu kết hợp thuần nhất phương tiện và trí tuệ mà người tu có thể chuyển hóa thân khẩu ý bất tịnh của mình thành thân miệng ý thanh tịnh của Phật
1. Tính bất nhiễm:
Bất là không, nhiễm là nhiễm ô. Nằm trong bùn bao nhiêu năm, có dịp là nở, nằm trong bùn nhưng không nhiễm bùn, chư Phật và Bồ tát ở trong chúng sanh nhưng không nhiễm ô như chúng sanh. Ở trong sắc đẹp, tiền tài, danh vọng … mà không nhiễm. Chúng ta phải tu để vượt thoát bùn nhở trở thành chiếc hoa sen tinh khiết thơm tho.
Tổ Huệ Năng nói gì:
Tâm tạo chúng sanh, tâm tạo chư Phật, tâm tạo liên trì, tâm tạo địa ngục, tâm vọng động thì trăm ngàn sai biệt tranh khởi, tâm bình thì thế giới thản nhiên, tâm phàm thì ba món độc trói buộc, tâm thánh thì sáu món thần thông tự tại, tâm không thì nhất đạo thanh tịnh, tâm hữu thì vạn cảnh tung hoành, tự mình đạp mây mà uống nước cam lồ, chẳng ai cho mình. Nằm trên lữa hồng hay uống máu mủ cũng tự mình gây ra, không phải trời sinh hay do đất mà có.
Triệt Ngộ Đại Sư nói gì: “Có tâm tức có niệm, Tâm mà không niệm Phật thì lọt vào cửu giới chúng sanh”.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn. Tổ Huệ Năng nói:
Tâm bình hà lao trì giới, hạnh tịch hà nải tham thiền
(Tâm bình lo gì trì giới, hạnh tịch cần chi tham thiền)
Khi Huệ Minh (một đệ tử giỏi võ của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn) đi đòi lại y bát của tổ mà không sao nhấc nổi y bát lên. Bèn xin quy y với Lục tổ Huệ Năng, xin chỉ cho thấy tánh. Tổ Huệ Năng mới nói: Bao giờ ngươi vứt ý nghĩ ác, vứt ý nghĩ thiện thì người là Phật chẳng cần quy y với ai cả. (không thiện ác = bất nhị = không có đối đãi = chân như)
"Như hoa sen đẹp đẽ và dễ thương
Không cấu nhiễm bùn nhơ, nước đục
Cũng vậy, ở giữa chốn bụi trần
Ta không vướng chút bợn nhơ
Như vậy, ta là Phật!" (18)
"Thoát bùn nở đóa sen thanh
Bùn tanh mà vẫn lọc nên hương trời"
2. Tính trừng thanh:
Trừng là gạn lọc, thanh là trong, tất cả những chổ xấu xa đều gạn lọc cho trong ra. Nếu chúng ta để ý những chổ hoa sen mọc, thì những chổ đó nước sẽ trong đó là tánh trừng thanh. Cũng như vậy, một tên cướp mà xuất hiện trong thôn xóm nào đó thì thôn xóm đó có yên ổn không? Làm sao mà yên ổn được. Nếu một người Phật tử thuần thành xuất hiện ở trong một thôn xóm đó thì sao? Thì thôn xóm đó hoàn toàn yên ổn, chưa nói đến vị Bồ tát, hay chư Phật. Chư Phật, chư bồ tát mà xuất hiện ở đâu thì ở đó yên ổn, hạnh phúc, an lạc.
Nói sâu hơn trở về lại với chính ta thì sao quý vị. Tâm phiền não tranh khởi thì chư Phật nhập diệt; tâm không, tâm thanh tịnh thì chưa Phật ra đời, là chư Phật xuất hiện, là chư Phật ngự tại ta, cho nên nói khi ta giác ngộ thì liền được yên ổn hạnh phúc trong lòng vậy.
3. Tính kiên nhẫn:
Không có một mầm nào mà trên khô đem xuống nước mà sống cả, mà dưới nước đem lên khô mà sống được cả, vậy mà mầm sen lại làm được như vậy. Dù để mấy năm nhưng khi đủ duyên thì sen lại sống. Tu là phát triển mình cho tâm từ bi ngày càng nhiều, tình thương ngày càng mở rộng, những việc ác ngày càng giảm bớt. Kiên nhẫn từng ngày.
Không gì yên vui bằng hay nhẫn
Không gì hơn người bằng có đức
Không gì hạnh phúc bằng làm lành
Danh vọng là hơn thoảng qua
Thịnh vượng thì có thời
Giàu sang cũng chỉ là ảo ảnh
Có kẻ ngày nay hớn hở thì ngày mai lại nguyền rủa
Duy có phẩm đức là tồn tại bất biến.
(Phẩm đức: giá trị tuyệt đích của đức)
4. Tính thanh lương:
Tất cả các loài hoa đua nhau nở về mùa xuân, riêng có hoa sen, nở vào mùa hè, mùa nóng bức, làm mát diệu cho lòng người (tính thanh lương) có một vị Bồ Tát, Thiện tri thức, Phật đến đâu thì để làm mát diệu cho chúng sanh.
Trong nghìn thông điệp loài hoa
Mỗi riêng thông điệp sen là vô song…
5. Tính viên dung (mãn):
Viên là tròn, dung là dung hóa, làm cho dung hóa và tròn trịa. Why? Bởi vì chúng sanh đủ duyên thì nở ra, hết duyên thì tàn rụi. Ngược lại chiếc hoa sen, đủ duyên thì nở ra, hết duyên thì thu phần tịch diệt, chứ không diệt vì loài ong bướm. Chiếc hoa sen nở lúc nào? Nở 12h khuya – 5h sáng. Hoa khác, tối nở có, bang ngày có, và bị ong bướm hút nhụy. Tất cả chúng ta bị hút hết nhụy rồi hay chưa? Có vợ chồng chưa? Có đau khổ vì vợ, chồng con không? Đó là ông buớm đã hút hết nhụy của chúng ta.
Từ trước tới nay, vào mùa Phật Đản, tôi thường nghe thấy các vị trong Gia đình Phật tử hát bài nhạc Hoa sen để dâng lên Đức Phật, đại ý như:
“Hoa sen xinh đẹp biết là bao!
Hoa ơi, hoa có tự thuở nào?
Mà người hằng nói: hoa quân tử
Gần bùn vẫn giữ vẻ thanh cao...”
Chổ này chúng ta xét lại cuộc đời của đức Phật sẽ thấy được cái hay, cái logic trong sự thể hiện tánh tướng này quý vị. Chúng ta thấy đức Phật sinh vào buổi nào quý vị buổi sáng bình minh hay buổi tối khuya quý vị. Có phải là buổi sáng không? Đó là xét về mặt lịch sử thôi. Người ta không thể để một vị đạo sư của mình mà sinh vào buổi tối được, cho nên về mặt lịch sử thì Ngài sinh vào một buổi bình minh đẹp trời. Nhưng chúng ta xem xét lại. Bà Maya phu nhân nằm mộng thấy voi trắng khai hông vào buổi nào? có phải buổi nữa đêm không? Rồi lúc ngài xuất gia, từ bỏ hoàng cung. Ngài khiều Sa nặc vào buổi nào? cũng là buổi nữa đêm.
Trời tối đêm nay mờ mịt quá
Giờ này thái tử định đi đâu…
Chính đời mờ mịt nên ta phải
Đi để tìm ra ánh đạo vàng.
Rồi lúc thành đạo ngày cũng chứng đắc vào lúc nữa đêm đến lúc sao Mai vừa hiện thì ngài chứng hết những phần còn lại. Rồi lúc nhập Niết bàn cũng là nữa đêm.
Như vậy là ý gì? nghĩa là Ngài từ trong đêm tối, từ trong cõi ta bà uế trược mà ngài tu thành chánh giác, được thế gian xưng tụng. Trong kinh A Mi Đà chư Phật đều khen Phật Thích Ca là được việc khó làm, đó là việc gì? Đức Thích Ca ở ngay giữa cõi Ta Bà mà chứng thành Chánh Đẳng Chánh giác, ở nơi cõi Ta Bà đầy năm trược mà nói kinh khó nghe đó là kinh A Mi Đà. Cho nên nói chư Phật là tánh mà hoa sen là tướng là như vậy đó.
6. Tính hành trực:
Hành là thân, trực là ngay thẳng. Từ dưới bùn thẳng lên chiếc hoa sen. Người tu hành chúng ta thân phải cho ngay thẳng, thì trực chỉ đến Tây phương Tịnh độ, ta tu là để sửa cho thân mình ngay thẳng thì mọi việc sẽ ngay thẳng. Ở đời ngũ dục lục trần như nam châm hút lục căn, lục thức của mọi người hướng về những tham đắm, chỉ khi ta cứ thẳng tiến một đường thiện, tu tập hướng đến Niết bàn, Tây phương Cực Lạc. Thì sẽ không bị hút.
7. Tính ngẫu không:
Ngẫu là ruột, không là trống rỗng. Đặc biệt hoa sen thân lại ngay mà ruột lại trống rỗng, rỗng suốt từ dưới bùn lên tới bông sen. Ruột đó là ruột của ai, của Phật Di Lặc.
“Đức Di Lặc ngồi trơ bụng đá,
Thay bụi trần bám đã rồi rơi,
Mặc cho tình thế cuộc đầy vơi,
Dững dưng như một nụ cười vô duyên”.
“Vô duyên” không phải trong chữ vô duyên trong vô duyên vô cớ, mà vô duyên ở đây là không dính mắc, Chúng ta thấy Phật Di Lặc có duyên không. Có chứ, nụ cười của ngài rất có duyên. Tất cả mọi việc đối với ngài chẳng có gì hết. “tâm không nhất đạo thanh tịnh”. Sắc có đó, mùi thơm có đó, mũi dọc dừa có đó, mắt bồ câu có đó,… nhưng không bị dích mắc không dính mắc chứ không phải là không thấy không nghe, không thấy không nghe thì đui điết làm sao. Vậy thì ai dám tu.
“Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi lại không
Thong dong tự tại cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước ra vòng trần ai”
Kinh Hoa Nghiêm bảo:
“Dục thủ nhất thừa bất ố lục trần, lục trần bất ác hoàn đồng chánh giác, trí giả như như, ngu nhơn tự phược”. (Muốn tiến đến đạo nhất thừa vô thượng bồ đề, thì đừng ghét bỏ lục trần, lục trần không xấu, quay trở lại thì thành chánh giác, kẻ trí thì như như bất động trước lục trần, kẻ ngu thì tự trói).
8. Tính bồng thực:
Là gương đầy hột, tất cả hoa khác ra hoa, rụng hoa rồi mới có hột (quả), còn hoa sen thì ra bông vừa nở ra thì có ngay hột. Trong hoa có quả, trong gương sen đã có quả sẵn rồi. Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng đó quý vị.
Vì sen nên có hoa,
Hoa nở nên sen hiện
Hoa rụng nên sen thành
Vì sen nên có hoa,
Khi cánh sen chưa nở
Thì hạt sen đã có
Sẵn sằng trong gương sen,
Khi cánh sen vừa nở
Thì hạt sen vừa hiện
Khi cánh sen vừa rụng
Thì hạt sen vừa thành
Vì là nhân quả đồng thời, cho nên ai tu nhân nào thì có quả nấy. Nếu chúng ta nói một lời lành, chúng ta hưởng một phước lành, nếu chúng ta nói lời ác, hành động một việc ác thì chúng ta hưởng quả ác ngay. Hại người sẽ bị người hại, oán người sẽ bị người oán, mắn người sẽ bị người mắn, đánh người sẽ bị người đánh. Dù chui lên không trung, dù lặng xuống đấy biển cũng không tránh khỏi nhân quả. (Như trong truyện Mục kiền liên cứu tộc Thích Ca, đặt 500 người vào trong bình bát đem dấu lên không trung, nhưng khi đem xuống thì chỉ còn là một bình bát máu)
Để tu tập về được cõi Tây Phương Cực Lạc chúng ta phải tự nỗ lực.
“Không có một ngọn gió nào giúp ta được nếu ta không có bến để tới”.
Trong kinh Lăng Nghiêm, chương Đại Thế Chí Niệm Phật nói… “mười phương Chư Phật thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn chạy, thì mẹ dầu nhớ có làm được gì. Nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con mẹ con đời đời chẳng rời xa nhau”.
Về ý nghĩa biểu tượng của hoa sen, có thể tóm tắt như sau:
1) Mọc trong bùn nhưng không bị ô nhiễm
2) Hoa chỉ nở khi đã vươn lên khỏi mặt nước
3) Trong một hoa vốn có cả nhụy, đài, gương, hạt...
Ðây là ba đặc tính biểu tượng cho Phật tính ở mỗi con người. Sự tương quan của biểu tượng đó như sau:
1) Sự giác ngộ, giải thoát không thể thoát ly ngoài con người trần thế và cuộc đời trần thế mà có.
2) Tâm Vô thượng chánh giác (tâm hoa) chỉ thành tựu khi nào vươn lên khỏi mọi trần cấu, nhiễm ô.
3) Trong một bản thể tâm vốn cưu mang đầy đủ mọi đức tính, như tất cả chủng tử nằm im trong chiều sâu của tâm thức.
Để luyện cho cái tâm như hoa sen, thì ta phải làm sao? Ta phải nhận rõ ra cái tâm của mình.
Kinh tâm địa quán nói:
"Trong tam giới, tâm là chủ
Người hay quán tâm sẽ có giải thoát
Người không quán tâm chắc chắn trầm luân
Tâm chúng sanh cũng như đại địa
Ngũ cốc ngũ quả từ đại địa sanh
Tứ Thánh lục phàm đều do tâm sanh
Cho nên gọi tâm là "tâm địa"."
Kinh Hoa Nghiêm nói:
"Nếu ai muốn rõ biết
Ba đời mười phương Phật
Nên quán tánh pháp giới
Tất cả do tâm tạo
Tâm như chàng họa sĩ
Vẽ hết thảy ngũ ấm
Tất cả pháp thế gian
Không pháp nào không tạo
Tâm và Phật cũng thế
Phật, chúng sanh cũng vậy
Tâm, Phật và chúng sanh
Tên thì ba mà thể thì một."
Chắp Tay xá chào
(Sen búp xin tặng người
Một vị Phật tường lai).
Trong quan hệ giao tiếp, điều đầu tiên nhất đó là chào hỏi. Tùy theo mỗi nơi, mỗi phong tục mà cách chào hỏi có khác nhau. Trong Phật giáo mọi người chào nhau bằng cách chắp tay. Đây là một nét đẹp mà các Phật tử đã thể hiện và thực hành. Với cách chào này ta sẽ thấy được nhiều điểm đặc sắc của nó. Trước hết ta hãy nói về ý nghĩa của chắp tay chào trong Phật giáo. Cách chắp tay chào trong Phật giáo đó là cả một bài thực tập tu tập để làm mới tâm mình trở về thánh thiện. Như vậy có nói quá không? Chúng ta thử phân tích sẽ thấy được điều này. Thứ nhất, về cách chắp tay chào là dùng hai lòng bàn tay úp vào nhau, các ngón tay xếp đều, ngay ngắn và hướng lên trên, với tư thế này chứng tỏ tay bạn không có vũ khí, khi cúi chào là mắt hạ thấp, đầu cúi xuống tức là làm giảm khả năng tự vệ. Chúng ta chắp hai tay vào nhau thì không còn tay phải, không còn tay trái nữa, hai bàn tay, phải và trái chỉ còn là một. Nó giống như một búp sen thơm. Để khi chào người đối diện - dù thực tế người đó nhỏ hơn ta, học ít hơn ta, địa vị kém hơn ta, thậm chí không thật tu - là ta đang thể hiện sự tôn trọng, tôn kính với lòng trong sạch như hoa sen. Cũng thế, khi chúng ta để tâm vào việc chào người thì tâm phân biệt phải trái, hơn thua, xấu đẹp, giàu nghèo v.v... không còn nữa mà chỉ còn tâm an lạc. Khi xá chào là chúng ta đang khiêm tốn, không còn cái tôi cá nhân. Ngay sau cử chỉ đơn giản đó, chúng ta lập tức đạt được sự an lạc. Để thực tập được điều này thì ta phải nhìn được những mặt tốt của người đối diện khi ta chào, và phải thực tập như vậy. Do vậy, khi nói chắp tay xá chào là một bài thực tập tu tập là không quá.
Trong sách "Tánh mạng khuê" có bài thơ về hoa sen như sau:
Hồng hồng bạch bạch thủy trung liên,
Xuất ố nê trung sắc chuyền liên;
Hành trực ngẫu không bổng hựu thục,
Tu hành diệu lý kháp như nhiên
(Tạm dịch)
Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi.
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột.
Cái lý tu hành cũng thế thôi.
Kính chúc quý vị mãi sống trong biển nguồn của Phật pháp.
Anxin
| ||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Lễ vía Phật Thích Ca nhập diệt 15-02 ÂL
- 3 loài cây thiêng liên quan đến cuộc đời Đức Phật
- CÂY SA LA
- Vì Sao Cần Phải Niệm Phật ?
- Phương Pháp Niệm 10 Danh Hiệu A Di Đà Phật
- Bát Chánh Đạo
- Người Phật tử với tam quy & ngũ giới.
- Thờ Phật Tại Nhà Cần Phải Biết Những Điều Kiêng Kị
- Khi Chết Ta Sẽ Đi Về Đâu?
- Chí Tâm Niệm Phật Tịnh Độ Hiện Tiền