Bồ tát Đại Thế Chí
Đăng ngày: 21/10/2013 20:53Đại Thế Chí Bồ Tát
(ý nghĩa: Từ-Bi + Trí-Tuệ = Phật)
DANH HIỆU : Đại Thế Chí có nghĩa là dùng ánh sáng trí tuệ soi khắp hết thảy mười phương, khiến chúng sinh trong ba đường ác trược thấy rõ những mê muội, những ác nghiệp, những khổ hải vô biên … mà bừng tỉnh biết tu tập đặng được giải thoát và đạt được năng lực vô thượng. ( theo kinhQuán Vô Lượng Thọ ).
TIỀN THÂN : Thuở xa xứ ở thế giới Vô Lượng Đức tự An Lạc thị hiện có đức Phật hiệu Kim Quang Sư Tử Du Hí ra đời hóa độ chúng sinh. Trong nước có vị vua hiệu Oai Đức, lấy chánh pháp trị dân nên được nhân dân xưng tụng là thường gọi là Pháp Vương. Trong nước ấy không có nữ giới, toàn là do hóa sanh. Nhà vua phụng thờ đức Phật Kim Quang rất thành kính. Một hôm nhà vua nhập định tọa thiền Tam Muội, khi xuất định thấy hai hoa Sen mọc hai bên tả hữu, trong mỗi hoa Sen có một đồng tử cùng nhà vua đến nghe Phật thuyết pháp. Vua Oai Đức là tiền thân Phật Thích Ca, hai đồng tử là tiền thân Bồ Tát Đại Thế Chí và Bồ Tát Quán Thế Âm. ( Quán Thế Âm Bồ Tát thọ ký kinh ).
Lại một thuở khác, Ngài là con vua Vô Tránh Niệm tên là Ni Ma. Ngài đích thân thừa cúng dường đức Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sinh, được đức Phật Bảo Tạng thọ ký sau khi chứng quả là Bồ tát Đại Thế Chí phụ tá bên Phật A Di Đà ở Cực Lạc quốc. Sau nữa khi công hạnh viên mãn Ngài sẽ thành Phật hiệu là Thiên Trụ Công Đức Bảo Vương ở thế giới Đại Thế. ( kinh Bi Hoa quyễn 3, phẫm chư Bồ Tát bổn thọ ký )
HẠNH NGUYỆN : Ngài tu theo pháp môn Niệm Phật Tam Muội để chúng quả và hóa độ chúng sanh. Trong hội Lăng Nghiêm, đức Thích Ca hỏi chỗ tu sở đắc của các vị La Hán và Bồ Tát. Ngài tự bạch : “Thời đức Phật Siêu Nhật Nguyệt Quang dạy con niệm Phật Tam muội. Nhơn địa xưa của con cũng đã dùng tâm niệm Phật nhập vô sanh nhẫn. Nay ở thế giới này con nguyện tiếp độ người niệm Phật về Tịnh Độ.”. Đức Quán Thế Âm dùng lòng từ bi lắng nghe tiếng đau khổ tìm đến cứu độ chúng sinh. Đức Đại Thế Chí dùng ánh sáng trí tuệ soi đường dẫn dắt chúng sinh nhìn thấy con đường giải thoát.
BIỂU TƯỚNG : Trong hình tượng phụng thờ chúng ta thấy Ngài đứng bên phải đức Phật A Di Đà, bên trái là Bồ Tát Quán Thế Âm. Hình tượng Ngài được thể hiện là hình tướng người cư sĩ cổ đeo chuỗi Anh Lạc, tay cầm hoa Sen xanh.
Ý NGHĨA : Bồ Tát Đại Thế Chí với biểu tướng là người cư sĩ nhằm nói lên hạnh nguyện độ sanh của Ngài. Hình ảnh người cư sĩ là hình ảnh rất gần gũi với quần chúng, điều đó cũng nhấn mạnh tính thị hiện hóa thân theo quan niệm Phật giáo Bắc tông. Bởi vì muốn đạt được sự cảm thông thì trước hết phải cùng có hình thức nhu nhau. Bồ Tát Đại Thế Chí có thể coi như một người bạn lành của chúng sinh, mang hình thức cư sĩ để dễ hòa nhập, để dễ lăn lộn trong nhân gian mà hóa độ.
Hoa Sen xanh tượng trưng cho sự thanh tịnh tinh khiết, nghĩa là đoạn đức. Dùng trí tuệ dứt sạch mọi phiền não ô nhiễm, cứu vớt chúng sinh lên khỏi vũng bùn ác trược. Muốn cứu vớt chúng sinh về Tịnh Độ, trước hết phải dạy cho họ dứt sạch phiền não ác trược. Phải cho họ ánh sáng của trí tuệ để dễ nhận rõ bản chất của phiền não, cội nguồn của uế trược. Bởi chúng sinh đang bị đắm chìm trong sự vô minh u mê tăm tối, do vô minh mà cả đời chỉ chạy theo những ảo ảnh không thật. Như người lạc lõng trên sa mạc nắng cháy nhìn thấy ảo ảnh dòng nước ngở là thật, vui sướng tìm đến. Bởi do vô minh nên không nhận thấy “Tứ đại khổ – không , ngũ ấm vô ngã , sinh diệt biến dị , hư ngụy vô chủ …”. Kiếp người khổ, ngoài sinh, lảo, bệnh, tử mà đức Phật đã nêu còn có thương yêu bị xa lìa – khổ, thù oán gặp nhau – khổ, mong cầu không được – khổ, con cháu hư hỏng – khổ, ngũ ấm thịnh suy – khổ . . .Chúng ta lâu nay cứ cho thân mình là thật, cái suy nghĩ của mình cũng là thật; Do mê lầm chấp trược như thế nên cả đời cứ lo gom góp của cải, danh vọng, lặn ngụp trong dục vọng…lo toan cho cái thân không thật của mình. Lòng người có bao giờ biết đủ, có mấy ai biết tri túc ? Họ mãi mê chạy theo không bao giờ thấy chán, chỉ mong muốn được càng nhiều hơn, được mãi không thôi những ham muốn của họ. Song càng tham muốn nhiều thì càng gây nhiều oan nghiệt, gây nhiều tội lỗi. Bởi do vô minh nên không nhận ra bản chất sự vật nào có hình tướng đều phải chịu sự chi phối của vô thường, dần dần phải đi đến chỗ hoại diệt. Có vật nào có hình tướng mà không hoại diệt ? Tất cả các pháp hữu vi từ con người đến vạn vật đều phải trãi qua bốn giai đoạn Sinh. Trụ, Dị, Diệt. Như thế, thế gian không là cõi vô thường thì là gì ? Bởi do vô minh nên mới mê chấp, sự mê chấp càng dày thêm mỗi ngày và càng che phủ cái Phật tánh có sẳn ở mỗi người.
Chỉ có sức mạnh của trí tuệ mới xé được tấm màng u minh đang phủ che Phật tánh. Vì thế, danh hiệu Ngài đã nói lên ý nghĩa vận dụng ánh sáng của trí tuệ chiếu soi cho chúng sinh thấy rõ chân tướng những mê muội. Đồng thời Ngài sẽ giúp họ tu tập đặng có sức mạnh đoạn trừ những uế trược ấy, một khi trí tuệ bừng sáng họ sẽ tự mình xé toan tấm màng vô minh che phũ bấy lâu, nhiên hậu Ngài sẽ tiếp độ đưa họ về Tịnh Độ. Trong kinh Di Giáo đức Phật đã dạy : “Nhược dục thoát chư khổ não, đương quán tri túc, tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ổn chi xứ” Nghĩa là : Muốn thoát khỏi mọi sự khổ não cần phải nghiệm xét hai chữ biết đủ. Pháp biết đủ là sự giàu có, là sự an ổn của con người. “Tri túc thiện túc đãi túc hà thời túc” là vậy.
Với bậc Bồ Tát thì không còn những ham muốn tầm thường ấy. “Bồ Tát bất nhĩ, thường niệm tri túc, An bần thủ đạo, Duy tuệ thị nghiệp.”. Các Ngài biết an vui trong cảnh nghèo, để giử gìn đạo hạnh và lúc nào cũng lấy trí tuệ làm sự nghiệp tiến đến giác ngộ viên mãn. Bồ Tát cũng là một chúng sinh, nhưng chúng sinh biết tu hành và được giác ngộ nên gọi là hữu tình giác. Các Ngài luôn sẳn sàng giúp cho chúng sinh được giác ngộ như mình, nên gọi là giác hữu tình. Đã giác ngộ nên lúc nào các Ngài cũng tỉnh thức, lúc nào các Ngài cũng thực hiện hạnh tự giác giác tha giác hạnh viên mãn. Ví dụ như một nhà bác học uyên thâm cùng đi trên một con tàu với một nhà buôn mang nhiều của cải châu báu. Giữa biển khơi bị tai nạn đắm tàu, cả hai nhờ có phao cứu sinh nên được tàu khác cứu sống. Chúng ta thấy đấy, nhà buôn mất hết của cải châu báu trở thành trắng tay. Nhà bác học vẫn còn kiến thức uyên thâm của mình. Ví dụ sự đắm tàu như cái chết của chúng ta, những vật chất vô thường đó chúng ta không mang theo được vật gì. Chỉ có trí tuệ dù còn mê cách ấm, nhưng gặp duyên thì trí tuệ hiển phát, không mất.
Như vậy, chúng ta đừng lầm tưởng rằng Bồ Tát là bậc có nhiều thần thông phép lạ. Bất cứ người nào không đắm mê ngũ dục, không bị ngũ dục chi phối, biết tu tập và giúp người khác phá mê chấp trong cuộc sống để đoạn trừ khổ đau thì người đó là Bồ Tát vậy. Biết đâu trong sinh hoạt hiện tại của chúng ta có nhiều Bồ tát gần bên mà chúng ta vì mê lầm chấp trược nên không biết. Chúng ta là những Phật tử chân chính nên không mong cầu Bồ Tát thị hiện bằng một hình tướng khác thường kỳ lạ, có nhiều thần thông phép mầu ban ơn cứu khổ cho chúng ta. Nếu chúng ta cho Bồ Tát là như thế thì cả đời này, suốt kiếp này không thể thấy được Bồ tát. Như theo những sách đã viết, chúng ta được biết đại sư Ấn Quang chính là Bồ tát Đại Thế Chí hóa thân tái thế, hành nghi cả đời của Ngài cùng với người thế tục chẳng mảy may sai khác. Nhưng, sự tu hành, nguyên tắc giáo hóa chúng sanh của Ngài thật không khác với hạnh nguyện, đạo lý trong chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông.
Chúng ta biết rằng những bậc đại giác đều có đủ hai đức tính quan trọng là từ bi và trí tuệ. Thiếu một trong hai đức tính này không bao giờ tu thành chánh quả, không bao giờ thành Phật. Trí tuệ là để sáng suốt, từ bi là để thương yêu. Trong các cách thờ theo lối Tam Tôn là để biểu thị và nhấn mạnh ý nghĩa này. Đức Phật Thích Ca có hai vị phụ tá là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Phổ Hiền. Ngài Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho hạnh Trí Tuệ, Ngài Phổ Hiền tượng trưng cho hạnh Từ Bi. Đức Phật A Di Đà có Bồ tát Đại Thế Chí tượng trưng cho hạnh Trí Tuệ và Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho hạnh Từ Bi. Trí Tuệ phải luôn ở bên hữu để biểu thị đức tính Trí Tuệ lúc nào cũng phải dẫn đầu, là điều kiện tiên quyết thì hạnh Từ Bi mới thành tựu.
Lịch sữ cuộc sống từ thuở hồng hoang sơ khai, chính những hiểu biết của trí tuệ đã giúp nâng cao đời sống, thoát cảnh chui rúc trong hang động ăn lông ở lỗ. Trong cuộc sống thuở sơ khai, con người sợ hải từ những hiện tượng tự nhiên của vũ trụ. Con người thuở ấy gán cho những hiện tượng đó một niềm tin với thế giới thần linh, siêu nhiên : thần mưa, thần sấm sét, thần rừng, thần biển… nguồn gốc trái đất, con người cũng do những thế lực đó tạo thành. Chưa có trí tuệ con người sẳn sàng linh thiêng hóa tất cả những vấn đề chưa lý giải được. Cũng do sự thiếu hiểu biết này mà trong lịch sữ đã từng xãy ra biết bao tội lỗi, biết bao oan nghiệt đau lòng, biết bao cái chết oan uỗng.
Trong cuộc sống hẳn chúng ta cũng nhận thấy tầm quan trọng của tri thức, chỉ có tri thức mới là chủ đạo cho các vấn đề. Từ những con người tay lấm chân bùn kiếm sống bằng hái lượm, những ngư dân với dụng cụ đánh bắt thô sơ chỉ dám kiếm sống gần bờ không dám ra khơi xa . . . Nhờ tri thức và biết ứng dụng những hiểu biết nên cuộc sống con người dần dần được cải thiện và công việc đạt được hiệu quả gấp nhiều lần. Nhưng cuộc sống càng phát triễn thì hình như chúng ta lại càng thực dụng hơn, càng lúc càng xa những nét đẹp bình dị chân phương chất phát ? Nhìn lại xã hội chỉ cách đây khoảng 50 năm – chúng ta thấy hôm nay có thêm biết bao nhiêu tội danh mới, bao nhiêu tệ nạn xã hội mới mà luật pháp phải bổ sung để chế tài ? Trí Tuệ lại là đức tính càng bức thiết hơn khi cuộc sống lại càng thêm quá nhiều cám dỗ.
Những người đang là học sinh sinh viên nếu biết tận dụng hạnh trí tuệ siêng năng học tập nâng cao tri thức, thì dẫu xuất thân từ gia cảnh nghèo khó vẫn đạt được những thành công làm thay đổi cuộc đời. Không ai chọn lựa được cho mình nơi sinh ra. Trong lịch sữ và hiện tại cũng đã có biết bao người xuất than từ giai cấp nghèo khổ; nhưng họ biết vận dụng trí tuệ chẳng những vượt thoát lên mà có người còn trở nên những danh nhân lưu gương hậu thế. Tấm gương đó rất đáng cho chúng ta suy ngẫm, soi rọi lại bản thân chính mình.
Lại có những người từ trước có cuộc sống lầm lạc trở thành những tội phạm cướp của giết người. Những tưởng cuộc đời phải kết thúc trong tù ngục hoặc phải lảnh án tử hình. Nhưng nhờ trí tuệ trong một lúc nào đó chợt bừng lên, nhận biết rõ những sai lầm, quyết tâm hoàn lương. “buông dao đồ tể là thành Phật”. Những tấm gương đó cũng rất đáng cho chúng ta khâm phục.
Đức tính Trí Tuệ quan trọng trong cuộc sống như thế đấy. Cũng chính từ những điều đó nên Bồ Tát Đại Thế Chí phát đại nguyện dùng trí tuệ soi sáng, dẫn đường chỉ lối cho chúng sinh còn mê mờ trong biển khổ, biết quay đầu về bờ giác. “bể khổ mênh mông quay đầu là bờ”. Chúng ta phụng thờ Ngài, chúng ta chiêm bái đảnh lễ Ngài, chúng ta tắm mình trong ánh sáng trí tuệ của Ngài soi rọi thì phải biết nhìn thấy chánh pháp, thì phải biết tìm đường rời khỏi biển mê khổ trầm luân.
NAM MÔ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT
| ||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Đại Nguyện Của Chuẩn Đề Vương Bồ Tát
- Đại Nguyện Của Địa Tạng Vương Bồ Tát
- 12 Đại Nguyện Của Quán Thế Âm Bồ Tát
- 25 Đại Nguyện Của Bồ Tát Văn Thù
- 48 Đại Nguyện Của Đức Phật A Di Đà
- 12 Đại Nguyện Của Đức Phật Dược Sư
- Bồ Tát Phổ Hiền
- Ý nghĩa báo đáp tứ trọng ân
- Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn
- Sự tích Thập Bát La Hán