Với dân tộc Việt Nam, một đất nước bốn nghìn năm văn hiến, đạo hiếu là tinh thần văn hóa bất di bất dịch đối với đời sống đạo đức con người. Ý nghĩa Vu Lan là đỉnh cao của chân thiện mỹ, xây dựng đời sống tri thức cộng đồng, phát triển nhân sinh xã hội qua bốn phương diện gọi là Tứ trọng Ân : Ân Cha Mẹ - Ân Tam Bảo Sư Trưởng – Ân quốc gia Xã Hội – Ân chúng sanh vạn loại. 1- Ân Cha Mẹ : Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật . Hiếu kính Cha Mẹ là bổn phận người con, Cha Mẹ là người sinh ra mình, nuôi dưỡng mình nên mình phải cung kính báo ơn, đây là công đức lớn được sánh ngang với trời Phạm thiên. Công đức của những người con hiếu thuận với Cha Mẹ thật vô lượng vô biên, nhất là lúc cha mẹ khi tuổi về già. Chúng ta phải chăm nom săn sóc. Đạo hiếu là truyền thống lâu đời của văn hóa Á Đông. Phải ý thức được rằng Cha Mẹ tại tiền như Phật tại thế, thờ kính cha mẹ là thờ kính Phật. Cha Mẹ mình, mà mình không tôn kính, không nhớ ơn thì có lẽ không còn ai để mình tôn kính và nhớ ơn trên cuộc đời này. Trong Kinh Tăng Chi I,75 có dạy : “ Này các Tỳ kheo. Có hai hạng người trả ơn không thể nào được. Thế nào gọi là hai ? Đó là Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, một bên vai cõng Cha, làm như thế suốt trăm năm cho đến một trăm tuổi. người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Cha Mẹ. Và nếu đấm bóp, thoa, xức Tắm, rửa, gội, nơi đó Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện dù như vậy thì người con cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Cha Mẹ. Vì cớ sao ? Vì rằng Cha Mẹ đã hy sinh tất cả cho con cái, dưỡng nuôi chúng lớn, dạy dỗ chúng vào đời. Sữa Mẹ mà những người con uống trong người đã lưu truyền luân hồi trong một thời gian dài, cái này là nhiều hơn chứ không phải nước trong bốn biển “. Cho nên những người con sống hiếu thuận với cha mẹ chính là tấm gương sáng về đạo đức tâm linh cho thế hệ hôm nay và mai sau, công đức của người con cao quí nhất không gì bằng hiếu hạnh, và ngược lại tội báo lớn nhất không gì bằng bất hiếu. Hiếu thuận thờ kính cha mẹ là hạnh đạo tốt lành, được cha mẹ mến thương người con đó sẽ được hạnh phúc nhân quả báo ứng vẹn toàn. Cha Mẹ là bậc ân đức cao cả mà chúng ta phải tôn trọng quí kính như một vị Phật. Chúng ta không làm tròn bổn phận của một người con hiếu đạo thì thật là hổ thẹn với tha nhân. Được phụng dưỡng cha mẹ là vận may tối thượng nhất của người con, nếu không có cha mẹ liệu ta có được ngày hôm nay không ? Buổi đầu ta mới biết đi, biết nói, ai tập ta đi, ai tập ta nói ? Ta có thể sống theo bản năng trọn vẹn, lớn lên cho đến ngày trưởng thành hôm nay …? Báo đáp Mẹ Cha không phải phụng dưỡng cha mẹ bằng tiền của, vật chất mà phải giúp cha mẹ mở rộng niềm tin chánh pháp, sống tri kiến hiểu biết, không gieo ác nghiệp, không mê tín dị đoan, không làm đau khổ cho mình và cho người cũng như cộng đồng xã hội. 2 – Ân Tam Bảo Sư trưởng : Tam bảo là ba ngôi báu Phật-Pháp –Tăng Nhờ qui y tam bảo Phật –Pháp Tăng mà chúng ta được tăng trưởng lòng từ,biết yêu thương và cảm thông mọi người, biết lắng nghe thấu hiểu, sống trong sự hỷ xả thanh cao thiện lành, thấy được chơn ngụy quấy ác. Để chúng ta trau dồi tâm tánh mà sống có đạo hạnh gần gũi thân thiện với tha nhân. Sư trưởng là những vị thầy cô đã dạy dỗ mình, khai mở cho mình học hành có trí tuệ hiểu biết từ lúc ngây thơ đến lúc trưởng thành. Trong đời sống của chúng ta, ngoài cha mẹ thì những người thân thuộc là những mối quan hệ phát triển được đời sống đạo đức của mình. Hơn ai hết Thầy Cô là bậc giáo dưỡng cho ta nhân cách sống, để chúng ta có được trí tuệ, nhận diện sự phong phú sâu sắc trong nghề nghiệp, trao đổi phát triển trong cộng đồng xã hội. Ân Tam Bảo và Ân Sư trưởng nói trên, ngoài tình cha mẹ ra, đây cũng là huyết thống tâm linh trong thịt da mỗi người chúng ta. Nên ta chớ quên. Để có được một cuộc sống trọn vẹn từ vật chất đến tinh thần, từ thuở bé lọt lòng đến ngày ta khôn lớn phải tốn rất nhiều công sức cha mẹ, thầy cô đã nuôi dưỡng đem đến cho chúng ta. Bởi vậy mà chúng ta phải hằng ghi nhớ tri ân trọn vẹn. 3-Ân quốc gia xã hội : Quê hương là ý niệm và trách nhiệm của dân tộc nói chung của từng người nói riêng. Ý thức được Đất nước là trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với những người đang bảo vệ hòa bình cho nhân dân bá tánh được an cư làm ăn cơm no áo ấm. Ân quê hương đất nước là ân những nhà lãnh đạo chức trách giữ gìn bảo vệ xã hội đồng thời phát triển xã hội đất nước ngày càng hưng thịnh. Nhờ có họ mà giữ được thanh bình độc lập cho dân tộc, giống nòi thêm thạnh trị hạnh phúc. ,nạn đao binh chiến tranh xâm lược gây chết chóc và khổ đau cho quê hương đất nước, lo âu và sợ hãi của người dân sẽ không còn. Từ đó mà chúng ta được thoải mái, thanh thản, lạc nghiệp, ăn học sinh hoạt, phát triển đời sống tinh thần một cách tự do, tự tại, phát huy nhiều tiềm năng trong cuộc sống như ý trọn vẹn đầy đủ. 4- Ân chúng sanh vạn loại : Ngoài ân cha mẹ sinh dưỡng, Ân Tam Bảo thầy cô đỡ đầu học hành, Ân quê hương đất nước là vành nôi mặt bằng cuộc sống, thì còn ân vạn loại chúng sinh, đây là sự tương hỗ cho nhau rất cần thiết. Cuộc sống này không phải chỉ có một mình ta đơn điệu, tất cả như là một chuỗi móc xích với nhau, kẻ cho qua người cho lại mà tạo nên sự thăng bằng cuộc sống. Từ loài người cho đến thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đất trời muôn vật. Bởi vậy không có một giây phút nào mà chúng ta không thọ nhận Ân đức của tha nhân, tuy rằng trên trái đất có nhiều dân tộc khác nhau về màu da sắc áo, nhưng cũng cùng một chủng loại sống trên thế gian này. Trần gian là sự đột biến của sinh trụ hoại diệt, không gian và thời gian là sự tương phản dịch lý âm dương. Do vậy môi trường sinh thái là không khí sự sống của muôn loài không thể thiếu. Từ góc độ này mà chúng ta phải biết dù chỉ là một hơi thở, chúng ta phải bảo vệ làm ân đức cho niềm vui, sự sống của hôm nay và sự sinh tồn cho thế hệ mai sau. Báo đáp Tứ trọng ân là bốn ân lớn nhất, trọng đại nhất của đời người mà bất cứ ai cũng không thể nguôi quên. Ngày Vu Lan đã trở thành một lễ hội thể hiện tinh hoa cao cả nhất. Nếp quen này đã ăn sâu vào xương da cốt tủy của từng người dân Việt. Là giềng móng văn hóa chung cho người Á Đông một cách thiêng liêng trân trọng nhất. /. Trích : Tâm ca Vu Lan