Dân tộc Việt Nam đang bước vào tương lai bằng những công cụ khoa học, kỹ thuật hiện đại, nhưng những giá trị văn hoá vẫn luôn là mạch nguồn quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, cân bằng đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng. Đạo Phật Việt Nam có cùng chung dòng chảy thăng trầm với lịch sử dân tộc. Nhiều triều đại đã tôn đạo Phật làm quốc giáo, đồng thời nương theo giáo lý của Đức Phật để xây dựng nền đạo đức văn hoá, khẳng định quyền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ dài lâu. Từ những bước đi ban đầu của thời kỳ chấn hưng và xây dựng ngôi nhà chung văn hoá Phật giáo Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm cùng tiếp tục khám phá truyền thống văn hoá Phật giáo trong di sản văn hóa và trong nếp sống ứng xử của dân tộc. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo cũng có nghĩa là giữ gìn và phát huy phẩm tính thuần thiện của dân tộc, để trên căn bản đó làm mới tinh thần dân tộc và truyền thống yêu nước thương dân.
Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo
cũng có nghĩa là giữ gìn và phát huy phẩm tính thuần thiện của dân tộc
Hiện nay, không khó để chúng ta nhận ra những dấu hiệu suy thoái về văn hóa ở đời sống công nghiệp hiện đại. Các vấn nạn xã hội đã trực tiếp chỉ ra dấu hiệu rạn nứt trong các mối quan hệ từ gia đình, làng xóm, cộng đồng đến môi trường tự nhiên.
Hiện thực đó đã thôi thúc chúng ta cùng quan tâm đến vấn đề khám phá, phát huy và làm mới lại các giá trị văn hoá Phật giáo, để làm sao cho cuộc sống xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, trước hết từ trong đời sống của người Phật tử chúng ta. Ở đó văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đời sống tinh thần của đất nước. Chuyển tải văn hóa Phật giáo chính là trực tiếp đưa những giá trị tốt đẹp vào trong đời sống của cộng đồng, để người dân ngày một thấm nhuần tinh thần từ bi, bình đẳng, trí tuệ, bất bạo động của Phật giáo, đưa nếp sống sinh hoạt xã hội thành những ứng xử văn hóa có tầm, hướng đến một nền giáo dục cùng đề cao các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Phật giáo nhìn nhận đúng giá trị tương quan, sự liên đới trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong đời sống cộng đồng. Điều này cho chúng ta một niềm tin lạc quan vào đích hướng tốt đẹp của bản thân và xã hội, khi cùng nhau biết chung tay để xây dựng một xã hội hài hòa. Thừa hưởng di sản tinh thần của các bậc tiền nhân, chúng ta có đủ trí tuệ, quyết tâm, niềm tin và lòng nhiệt thành để phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá Phật giáo.
Việt Nam có một vị trí đặc biệt trên con đường văn hóa Hoa - Ấn, vì vậy trong sự giao thoa, tiếp biến văn hoá, Phật giáo Việt Nam đã để lại cho dân tộc những giá trị văn hoá tâm linh, tinh thần đặc thù và huyền diệu. Việt Nam là nơi khởi điểm tiếp biến của nhiều dòng phái Phật giáo cả Nam lẫn Bắc truyền, nên văn hoá Phật giáo Việt Nam ngay từ những ngày đầu của lịch sử dân tộc đã mang sẵn trong mình tinh thần dung hội văn hóa, tín ngưỡng, tư tưởng. Khi thời đại cần đến vai trò của Phật giáo, thì chính những nhà tư tưởng, những trí thức Phật giáo sẽ là những người đi tiên phong trên con đường hòa đồng và khoan dung tôn giáo.
Ôn lại lịch sử đó để thấy rằng, chúng ta tuy mang danh Phật tử, nhưng cũng là những người con của quê hương, xứ sở. Mỗi vùng miền quê hương Việt Nam có những nội hàm văn hoá đa dạng và phong phú, có những điểm tương đồng và dị biệt, nhưng quan tâm chung của chúng ta đều hướng đến việc làm sao để văn hóa Phật giáo cộng hưởng cùng văn hóa dân tộc, tạo nên sức sống tinh thần mạnh mẽ trong hoàn cảnh của những khác biệt đó.
Phật giáo đã toát ra một sức sống mãnh liệt bắt nguồn từ những giá trị tâm linh, tinh thần phong phú suốt hơn 25 thế kỷ qua, và cho đến nay những lời dạy của Đức Phật vẫn chưa có dấu hiệu trở thành quá khứ. Nhà bác học Albert Einstein từng phát biểu: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".
Đông đảo bạn trẻ đến thưởng lãm ảnh Phật giáo
nhân Tuần Văn hóa Phật giáo tại Nha Trang
Phật giáo Việt Nam sống trong lòng dân tộc và thịnh suy theo vận mệnh của đất nước. Phật giáo luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn đời sống tinh thần cho đa số mọi người, làm nền tảng luân lý để cùng với nhân dân xây dựng một xã hội tiến bộ, đạo đức, trí tuệ và tràn ngập tình thương. Phật giáo luôn đánh thức con người đức tính tự tin, tự chủ, tự trọng với tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào trí tuệ, nhiệt tâm cống hiến của người Phật tử cho ngôi nhà chung Phật giáo, hướng đến những điều tốt đẹp, nhằm phát triển thiện tâm của dân tộc.
Chúng ta cần theo đuổi những nỗ lực này, vì suốt 3 thập niên qua, trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động, đổi thay về văn hóa và lối sống, chúng ta đã phần nào bỏ qua thách thức và cơ hội cho những nỗ lực ấy. Có những sự đổi thay tuy khiến chúng ta không mấy dễ chịu, nhưng đó là điều tất yếu cho bất cứ sự phát triển nào của xã hội, để chúng ta tự điều chỉnh mình theo tinh thần khế lý, khế cơ của Đức Phật.
Chắc chắn văn hóa Phật giáo sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự đổi thay ấy, nhưng không phải ở hình thức của những ngôi chùa to, những tượng Phật lớn, mà chính là ở thái độ sống và phong cách ứng xử của chúng ta với môi trường sống chung quanh. Bởi phẩm chất, lương tâm và trách nhiệm là ba điều thôi thúc chúng ta đóng góp nhiều trí tuệ và sáng tạo hơn nữa để giữ gìn và phát huy văn hoá Phật giáo Việt Nam, góp phần làm đẹp hình ảnh non sông, đất nước con người Việt Nam trong con mắt bạn bè thế giới.
Đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở các vị Tỳ kheo rằng: “Điều nào dù Ta không nói nhưng thời đại và hoàn cảnh đang có khuynh hướng phát triển, được mọi người quan tâm thì các ông cũng phải thực hiện; điều nào dù Ta có nói nhưng không phù hợp với hoàn cảnh xã hội, mọi người không công nhận thì các ông không nên làm”.
Văn hoá vừa là vần đề cũ, vừa luôn luôn mới, vừa phải đáp ứng nhu cầu của mọi người, đồng thời nhắm đến mục tiêu chuyển hoá đời sống tinh thần xã hội. Chúng ta luôn coi thế đứng văn hoá dân tộc là giá trị vượt thời gian để đối thoại với những làn sóng văn hóa đến từ những nơi xa lạ. Và những sự va chạm ban đầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế đã dẫn ra những thử thách không nhỏ. Vì vậy để duy trì một sức sống lâu dài, một thế đứng văn hoá đóng vai trò nhịp cầu nối cho văn hoá dân tộc, chúng ta cần phải trụ vững trên những giá trị truyền thống tốt đẹp, sáng tạo, phát huy những giá trị tích cực phù hợp với thời đại.
Triển lãm pannorama các chủ đề về Phật giáo- ảnh: Bảo Toàn
Vượt qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh, văn hoá Phật giáo dẫu có bước qua một hay nhiều khúc ngoặt mới, thì những trí thức thao thức với nền văn hóa dân tộc vẫn thấy được những giá trị tích cực của Phật giáo, đồng thời kỳ vọng rằng trong môi trường văn hoá đa dạng, văn hoá Phật giáo vẫn luôn là một trong những điểm tựa vững chắc cho sự phát triển.
Văn hoá là di sản tinh thần của dân tộc, vì vậy chúng ta không cho phép mình để những di sản tinh thần ấy bị mai một. Người Phật tử chúng ta sẽ cùng nhau dồn hết trách nhiệm để học hỏi các bậc tiền nhân, tiếp tục khơi thông dòng chảy văn Phật giáo trong hoàn cảnh mới. Sống đúng với trách nhiệm ấy, chúng ta có quyền làm chủ tương lai phát triển của văn hoá Phật giáo Việt Nam. Bởi niềm tin vào văn hóa Phật giáo là niềm tin vào thiện tâm của dân tộc. Khi niềm tin ấy nguyên vẹn trong tâm chúng ta thì một cánh chim bay ngang trời, một nụ hoa vừa hé nở cũng đều là lời dạy vi diệu của Đức Phật.
HT. Thích Trung Hậu – Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội