Con cái cần hiểu "bệnh già" của cha mẹ

Đăng ngày: 05/07/2015 17:22
Hay cằn nhằn, than thở, cáu gắt, tự ái, mặc cảm... là những biểu hiện mà mọi người thường nhận thấy ở người già? Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng đó ở người già?

Con cái phát khóc vì cha mẹ

Gia đình 3 thế hệ nhà anh Nguyễn Văn Hướng (Trương Định – Hoàng Mai) sống trong khu tập thể cũ. 2 năm gần đây, không khí gia đình anh trở nên căng thẳng bởi sau cơn đột quỵ bố anh bị liệt, mọi sinh hoạt đều tại chỗ. Trước đây ông cụ vốn vui vẻ, hòa nhã nhưng sau khi bị bệnh bỗng nhiên trở thành một người khác. Ông thường xuyên cáu con gắt con cái. Công việc trên cơ quan đã vất vả và áp lực, về nhà thì bố thường xuyên cáu gắt khiến vợ chồng chẳng biết kêu ai.  

Không gặp trường hợp như anh Hướng nhưng anh Phúc (Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy) cũng rơi vào một tình huống khác khá oái oăm. Do bố mẹ anh đã già, anh em trong nhà lại ra ngoài ở riêng hết nên anh quyết định thuê giúp việc cho hai cụ. Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm anh đã phải chạy đi chạy lại để thuê giúp việc mới. Mẹ anh trước đây vốn là con gái Hà Nội, giữ nếp xưa nên thường xuyên bắt giúp việc phải thực hiện theo. Khổ nhất là chuyện nấu ăn. Đến bữa, các cô giúp việc phải mất hàng giờ để nấu nướng, bày biện để món ăn vừa ngon, vừa đẹp. Đến sinh hoạt, đi lại bà cũng yêu cầu cô giúp việc làm đúng chuẩn Hà Nội. Cũng vì thế mà cô giúp việc ở lâu nhất được gần 1 năm, cô nào không kiên nhẫn thì được hơn 1 tháng.

Chia sẻ về chuyện chọn giúp việc cho bố mẹ, anh Phúc, chia sẻ: “Giúp việc mà tôi chọn cho bố mẹ đều rất tốt, cũng đã có kinh nghiệm đi chăm sóc người cao tuổi. Chẳng hiểu sao bố mẹ tôi lại không ưng ý. Mỗi lần cô giúp việc đến nhà xin nghỉ, vợ chồng tôi lại lo sốt vó vì chẳng biết sẽ tìm ai thay thế”.

Vì sao người già khó tính?

Người già thường kỹ tính, cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên họ thường suy nghĩ về bản thân nhiều hơn. Ngược lại, con cháu trẻ trung, năng động có suy nghĩ thoáng hơn nên trong gia đình có 2, 3 thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Người già thường chỉ loanh quanh trong ngôi nhà cả ngày, bị bó hẹp giữa 4 bức tường, con cái, cháu chắt lại đi làm, đi học nên họ thường xuyên cảm thấy cô đơn… Từ những yếu tố trên, người già trở nên đau khổ, buồn bực và muốn phản kháng. Từ đó, họ hay cằn nhằn, than thở, cáu gắt, khó chịu... rất nhiều người già lại trở thành “nhi đồng hóa”: Hay khóc, tự ái, mặc cảm, xa lánh con cái...

Nhẫn nhịn cũng là hiếu

Dù hai vợ chồng nhiều lúc phát khóc khi thấy bố thay đổi tính nết như vậy nhưng khi bạn bè khuyên vợ chồng anh Hướng đưa bố vào viện dưỡng lão thì cả hai vợ chồng nhất quyết không đồng ý. Anh Hướng chia sẻ: “ Mỗi lần chăm con tôi lại nhớ đến trước kia bố tôi đã từng vất vả chăm tôi như thế nào. Ngày đó khó khăn lắm, có hôm bố tôi phải nhịn để nhường đồ ăn cho anh em tôi. Con cái ốm đau thế nào cha mẹ cũng chiều được, cớ sao cha mẹ chỉ khó tính một chút thì mình lại quay lưng đi. Cha mẹ cũng từng phải chịu đựng mình suốt thời thơ ấu đến lúc trưởng thành mấy chục năm, còn mình có chiều cha mẹ nhiều lắm cũng chỉ vài năm”.

Còn đối với anh Phúc, lý do mà cứ mấy tháng anh lại phải xin nghỉ phép một lần đó là về quê tìm giúp việc cho ông bà. Theo anh Phúc: “Cha mẹ già, có khó chịu trong người mới càu nhàu, la mắng cả ngày còn người khỏe không ai làm thế. Nhẫn nhịn cha mẹ, luôn ở bên cha mẹ khi cần, chịu ngồi nghe cha mẹ giải tỏa phiền muộn cũng là cách trả hiếu”.

GS. Lê Thi – nguyên Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho biết: “Cha mẹ già là hình ảnh của chính chúng ta trong tương lai, nếu ai trông cha mẹ già mà vất vả quá hãy nghĩ đến điều này”.

Mộc Miên H+

| Chia sẻ |
THẢO LUẬN  
Chưa có thảo luận nào

Tin cùng loại cũ hơn