Quan điểm của Phật giáo về số mệnh - 01
Đăng ngày: 23/04/2014 21:12Trong một bối cảnh xã hội và đất nước đầy bất trắc và nước sôi lửa bỏng như vậy, số người tin vào chuyện tướng số, bói toán, cầu đảo phải rất nhiều, và ngày càng nhiều. Hiện nay, nghề xem bói, xem tướng, nhà đất cũng rất phát đạt. Giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ, kỹ sư không ít người đi xem bói, xem tướng.
Hãy đặt câu hỏi: Có cơ sở đạo lý gì cho tất cả những chuyện này hay không?
Con người là sinh vật có lý trí, đối với những tai hoạ lớn giáng vào một đất nước, một vùng, một dân tộc hay cá nhân một con người... con người không thể tin đó là ngẫu nhiên, mà tin là có sự tác động của những nguyên nhân sâu xa, có thể là siêu nhiên mà trình độ hiểu biết hiện nay của con người không giải thích được.
Tôi có người bạn cũ là anh Vũ Thơ, nguyên Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Ninh Bình. Một lần, anh tâm sự: Tôi là Đảng viên Cộng sản, là Mác-xít, nhưng có chuyện xảy ra ngay trong tỉnh mà tôi phụ trách, khiến tôi nghi rằng có một cái gì đó không phải là vật chất đứng đàng sau những chuyện đó. Chuyện như sau:
"Cái xã gần quốc lộ số một, nối liền Hà Nội với tỉnh lỵ Ninh Bình, có một cô gái xưa nay vốn lười biếng, không hay đi làm. Thế mà hôm ấy, mặc dù trời mưa lớt phớt, cô ta lại ra đồng làm cỏ sớm hơn mọi người. Một chiếc ô tô con chạy nhanh trên đường quốc lộ, không hiểu sao trượt bánh, băng ngang qua đường đúng vào chỗ cô gái đang làm cỏ, nhận cô ta xuống bùn chết tươi. Tôi đích thân đến xem nơi xảy ra tai nạn. Từ chỗ cô gái làm cỏ đến vệ đường cũng phải đo được gần chục mét, chiếc ô tô phải chạy nhanh lắm mới có thể băng qua gần 10 mét được. Tại sao lại xảy ra chuyện như vậy nhỉ, một cô gái hằng ngày vốn lười không đi làm, tại sao đúng hôm nay lại đi làm trước mọi người ngay trong khi trời đang mưa lớt phớt...
Còn bao nhiêu chuyện nữa, cũng vô lý tương tự như chuyện cô gái làm cỏ, xảy ra trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, làm mọi người dù là duy vật Mát- xít cũng phải tin vào số phận hay số mệnh.
Cơ quan thuỷ sản của Hải Phòng trước đây là một ngôi nhà bốn tầng, tôi đã từng đến thăm trong thời gian có chiến dịch máy bay Mỹ dội bom miền Bắc. Một quả bom xuyên đã rơi trúng cơ quan thuỷ sản, vì là quả bom xuyên, nên nó xuống tận hầm mới nổ, khiến cho những người nào nhanh chân chạy xuống hầm trước đều chết. Trái lại những người còn chậm chân ở tầng ba, tầng hai thì lại không can gì, mặc dù ai cũng dều hú vía.
Tôi có một anh bạn tên Sự, nguyên là vụ trưởng vụ tài vụ của bộ công nghiệp nặng, khi bộ này chưa tách thành nhiều bộ; anh có một cái hầm bê tông ở gần nhà, có thể nói là an toàn 100% để tránh máy bay. Không may cho anh bạn tôi là hôm ấy anh có xuống hầm khi máy bay đến nhưng lại ngồi ở cửa không chịu vào sâu bên trong hầm như vợ và các con của anh. Máy bay Mỹ thả một quả bom tạ vào nhà máy điện Yên Phụ nhưng không trúng, bom nổ gây một chấn động dữ dội, anh Sự ngồi ở cửa hầm đầu đập vào thành bê tông, bị vỡ sọ chết ngay tức khắc. Anh đã chết ở nơi an toàn nhất, làm sao hiểu được?
Vì vậy mà ở miền Bắc, trong thời kỳ máy bay Mỹ ném bom dữ dội đã lưu hành câu nói ở cửa miệng nhiều người: "Nhanh cũng chết, chậm cũng chết, chỉ có may thì sống".
Cái may đó phải chăng là số mệnh hay số phận? Các triết gia, các tôn giáo cổ kim nhận thức vấn đề số mệnh và số phận như thế nào?
I. CÁC THUYẾT TÚC MỆNH LUẬN, ĐỊNH MỆNH LUẬN, THIÊN MỆNH LUẬN
Nói chung, tất cả mọi thuyết dẫn tới thái độ yên phận và tiêu cực của con người đều thiếu giá trị nhân bản, dù chúng mang bất cứ nhãn hiệu nào.
Túc mệnh luận là thuyết cho rằng số phận con người là do quá khứ trước đây an bài, sắp đặt cả, mọi cố gắng hay nỗ lực đều vô ích.
Con vua rồi lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
Những người ở Trung Quốc xưa hay nói câu: "Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định", nghĩa là ăn một miếng, uống một chén, không gì là không do quá khứ quyết định trước. Có thể nói đó là những người theo túc mệnh luận cực đoan.
Định mệnh luận cũng là túc mạng luận, nhưng cường điệu tính chất bất khả kháng của số mệnh. Ý nói, số mệnh là quyết đinh, mọi cố gắng con người đều vô ích.
Thiên mệnh luận có nhiều nghĩa, không phải nghĩa nào cũng sai. Nếu hiểu thiên mệnh là thiên đạo, tức là đạo trời, là luật tắc tự nhiên, áp dụng vào thế giới của nhân sinh thì không có gì sai. Phải chăng, đó là ý tứ của Khổng Tử trong Luận Ngữ: "Ngô… ngũ thập nhi tri thiên mệnh"- (Ta…năm mươi tuổi thì biết mệnh Trời). Nếu hiểu mệnh Trời là số mệnh mà ông Trời quy định cho mình thì đó là số mệnh luận, hay đúng hơn là thiên mệnh luận, và tất nhiên Phật giáo sẽ bác bỏ thuyết đó. Nhưng Tống Nho Chu Hy lại giải thiên mệnh như là "nguyên lý vận hành và biến hoá của tự nhiên" thì đây không phải là số mệnh luận. Nhưng vấn đề còn tuỳ thuộc ở phái Tống Nho hiểu luật tắc tự nhiên như thế nào.
Ở chương 16 cuốn "Đạo Đức Kinh", Lão Tử cũng nói "Phục Mệnh", nhưng trong văn cảnh của chương này, thì mệnh ở đây rõ ràng chỉ có nghĩa là đạo, chứ không phải là số mệnh.
"Phù vật vân vân, các phục kỳ căn, quy căn viết tĩnh, thị vi phục mệnh"- (muôn vật phồn thịnh, mỗi vật đều trở về cội gốc của mình, trở về cội gốc thì gọi là tĩnh, tức là trở về với mệnh).
Rõ ràng, Lão Tử dùng từ mệnh ở đây không phải với nghĩa số mệnh, mà với nghĩa đạo, tức là cội nguồn của trời đất muôn vật.
Trong Thần hệ Hy Lạp cổ đại có Thần số mệnh gọi là Fate, mà cả đến Zeus, vị Thần tối cao đứng đầu các vị Thần, cũng phải e dè, nể sợ. Như vậy, người Hy Lạp cổ đại tin rằng, tất cả các vị Thần, kể cả Zeus cũng phải phục tùng số mệnh.
Niềm tin ở số mệnh phổ biến như vậy, lan tràn như vậy, từ xưa tới nay, từ Tây sang Đông, thì phải chăng niềm tin đó có đạo lý của nó, cơ sở khoa học khách quan của nó?
Người Pháp có câu: "I’homme propose, Dieu dispose"(người kiến nghị nhưng Thượng Đế bác đi).
Đây cũng là một biểu hiệ⮠rõ nét của thuyết mà Phật giáo gọi là Thần ý luận, khẳng định mọi sự việc trong thế gian này đều do ý muốn của Thượng Đế và ý muốn đó là siêu việt, vượt trên tầm hiểu biết của con người, cho nên con người chỉ nên phục tùng, không những không được chống đối mà còn phải cảm tạ và tri ân Thượng Đế.
Thiên mệnh luận cũng là số mệnh, nhưng số mệnh được nhân cách hoá thành Thượng Đế, hay là số mệnh do một nhân cách siêu nhiên an bài, xếp đặt. Cái nguy của thuyết này là một mặt khiến cho con người ta an phận thủ thường, mất hết ý chí phấn đấu, mặt khác lại khiến cho con ngưòi trốn tránh trách nhiệm của mình, thậm chí mình giết người, đoạt của, nhưng lại tự an ủi: đó là do Thượng Đế muốn như vậy, đó là ý chí huyền nhiệm của Thượng Đế.
Phật giáo tôn trọng tất cả tôn giáo bạn, kể cả những tôn giáo công nhận có Thượng Đế tạo thế. Đó là đường lối thuỷ chung như nhất của Phật giáo từ xưa đến nay, ở nước ta cũng như ở các nước Phật giáo khác. Tính bao dung về mặt tư tưởng vốn là một đặc tính của Phật giáo mà các nhà tôn giáo học trên thế giới đều công nhận, nhưng điều này không có nghĩa là Phật giáo chấp nhận, không phản đối một số quan điểm của những tôn giáo đó về vũ trụ và nhân sinh.
| ||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Niệm Phật Cầu Nhất Tâm Bất Loạn Sẽ Bị Trở Ngại
- Niệm Phật Thế Nào Mới Đúng Và Nhất Tâm Bất Loạn Là Sao?
- Niệm Phật Chuyển Hóa Tế Bào Ung Thư
- Niệm Phật chờ giải cứu trong xe khách bị lật
- Vãng Sanh Đã 3 Ngày Sống Lại Kể Về Thế Giới Cực Lạc
- Tấm Hình Người Quá Cố Chảy Nước Mắt Suốt 49 Ngày Vì Khi Sống Không Chịu Tu
- Bị Tai Nạn Giao Thông Bất Tỉnh Nhờ Niệm Phật Được Bồ Tát Quán Thế Âm Cứu Sống Thần Kỳ
- Ý nghĩa ngày Hiệp Kỵ
- NGÀY HIỆP KỴ – “LẠC và ĐẨY”
- Bài Vở: Về một quán Chay... ( bài của Nguyên Linh . trang GĐPT Việt Nam đăng )