Hiểu rõ sự lý viên dung
Đăng ngày: 06/03/2014 21:24Điều căn bản và duy nhất là phải hiểu sự lý cho rõ ràng, luôn luôn thực hành không gián đoạn thì chắc chắn không sai. Sự không ngại gì lý, lý không ngại gì sự, hai phạm trù này luôn luôn hỗ tương cho nhau, nếu thiếu một trong hai thì ắt hẳn không có kết quả tốt, cũng giống như con chim đủ đôi cánh mới bay được, chiếc xe đủ hai bánh mới chạy được; chúng ta hiểu như vậy thì không bao giờ thiên lệch về một bên nào cả.
Đôi khi chúng ta cứ nê chấp vào thuật ngữ vô niệm, lý không để rồi bác bỏ sự tu niệm Phật cầu vãng sinh. Như vậy, dễ rơi vào tình trạng “chưa bước lên bờ đã vội phá bỏ chiếc bè” tất sẽ không tránh khỏi bị chết chìm dưới nước. Chúng ta phải biết rằng: “Lý tuy đốn ngộ nhưng sự phải lần lượt tu hành”.
Ví dụ: điểm đến của chúng ta là Hà Nội, như vậy lấy cái gì để đến Hà Nội được? Tất nhiên, chúng ta phải đi bằng máy bay, bằng xe… Chúng ta muốn qua bên kia sông thì chúng ta phải cần cái gì đây? Chắc chắn là chúng ta phải mượn thuyền. Cũng vậy, muốn thấy được bản lai diện mục thì chúng ta cần phải có ngồi thiền, quán sổ tức, tri vọng, câu thoại đầu. Muốn đạt đến nhất tâm bất loạn hay niệm Phật tam muội thì cần phải mượn sự niệm Phật. Như vậy, chúng ta mới hiểu ra rằng: Sự và lý là một, Thiền và Tịnh là một không hai không khác.
Nhiều khi chúng ta không suy xét kỹ, lấy những lý cao siêu trong kinh điển ra, để biện luận cho cái hiểu biết của mình. Như câu: “Kỳ tùy tâm tịnh, tức Phật độ tịnh” (nếu tâm mình tịnh, tức là cõi Phật đó rồi, không cầu đâu xa, rồi lại phủ nhận không có cõi Phật). Đây là sự hiểu biết thật là nông cạn, thật là đáng thương, không chỉ vậy mà còn gây ra một hoang mang lớn cho số Phật tử tu theo Pháp môn Tịnh độ.
Chúng ta thử xét câu “kỳ tùy tâm tịnh, tức Phật độ tịnh” đúng ở cấp độ nào và không đúng ở cấp độ nào?
Đáp: đúng ở cấp độ khi chúng ta thấy được Phật tánh.
Không đúng ở cấp độ khi chúng ta chưa thấy được Phật tánh.
Thử hỏi trong mỗi chúng ta có ai đạt được Phật tánh chưa? Thật sự mà nói chưa có ai đạt được Phật tánh. Như vậy, khi chúng ta chưa thấy được Phật tánh, mà chúng ta lấy những lý cao siêu này để mà biện bạch cho cái hiểu biết của mình thì nó sẽ phản kháng lại cho chúng ta những điều như sau.
Thứ nhất, chỉ là lời nói viễn vông đầu môi chót lưỡi.
Thứ hai, không thực tế.
Thứ ba, mâu thuẫn với chính mình (mâu thuẫn là sao? Là mình chưa đạt được cái lý đó, mà cứ cho là mình đạt được, cũng giống như nghĩ cơm mà không ăn cơm thì không sao tránh khỏi sự đói bụng, không chỉ mâu thuẫn với chính mình mà còn mắc vào tội đại vọng ngữ, không chứng mà nói chứng).
Câu nói: “Kỳ tùy tâm tịnh, tức Phật độ tịnh” nghe qua tựa hồ như đúng lý, nhưng nếu xét cho kỹ thì lại không hợp, mà chỉ chuyên về phần lý thuyết ngụy biện. Tại sao? Vì bất kỳ một pháp nào hiện hữu cũng đều nói lên lý và sự của nó. Nói về lý thì tâm mình tịnh tức là Tịnh độ, cũng như nói do tâm chúng sinh uế trược nên mới có thế giới Ta bà đau khổ. Chúng ta đã thấy do có tâm phiền não của chúng sinh nên mới có thế giới uế trược Ta bà. Vậy thì, khi chúng sinh niệm Phật tâm được thanh tịnh tức nhiên cũng có cảnh giới Tịnh độ Cực lạc mà chúng sinh đó sẽ sinh về. Thế thì cảnh Cực lạc là một thế giới thanh tịnh có thật, có Phật A Di Đà đang thuyết pháp giống như đức Phật Thích Ca thuyết pháp ở cõi Ta bà này. Như vậy, ta niệm Phật cầu vãng sinh về Cực lạc có gì là không đúng, có gì là vọng cầu xa xôi. Mong sinh về cảnh tịnh điều đó không hay hơn là mải mê ở trong cảnh uế sao?
Lại nữa câu nói: “Tự tánh là Phật Di Đà, tâm là cảnh Tịnh độ”, cũng như bảo chúng sinh ai cũng có Phật tánh và có thể thành Phật. Nhưng thử hỏi tâm ta đã hoàn toàn thanh tịnh chưa, và thật sự ta đã thành Phật chưa? Nếu chưa, thì đừng quá cao ngạo, bỏ sự chấp lý, tự cho tự tánh là Phật A Di Đà, thanh tịnh tâm là Tịnh độ.
Nhìn một cách thực tế, cõi Ta bà của chúng ta có mấy ai phát tâm xuất gia đâu, trong một trăm người thì chỉ có một người xuất gia.
Chúng ta thử nhìn ra bên ngoài, biết bao nhiêu điều gây rối cho xã hội như là tham nhũng hối lộ, xì ke, ma túy, sát sinh, trộm cướp, tà dâm, v.v… có mấy ai chịu quay đầu để nhìn lại chính mình, để tu tập. Nhìn chung, đại đa số thì chìm đắm trong ngũ dục, lục trần. Với cách nhìn khách quan như thế này, thì làm sao chúng ta chuyển nổi cõi Ta bà này thành Tịnh độ được. Với câu nói: “Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” thì quá ư là không đúng với thực tế, chỉ là hư vọng mà thôi.
Chúng ta phải hiểu rõ Tịnh độ là gì?
Tịnh: thanh tịnh, trong sạch.
Độ: cõi, nước.
Như vậy, Tịnh độ là một cõi thanh tịnh, trong sạch chứ không phải một cõi uế trược như cõi Ta bà này.
Tịnh độ còn có nghĩa là: tịnh hóa thân tâm, trang nghiêm quốc độ.
Như vậy, muốn chuyển đổi một cõi đầy uế trược thành một cõi Tịnh độ thật sự, thì mỗi chúng sinh trong cõi uế trược đó đều phải cùng nhau tu tập, cùng nhau tịnh hóa thân tâm, cùng nhau trang nghiêm quốc độ, thì mới chiêu cảm được cõi Tịnh độ. Còn ngược lại, thì không bao giờ có được. Như vậy muốn có cõi Tịnh độ, thì phải có nhân thanh tịnh, trong sạch, muốn có được nhân thanh tịnh trong sạch thì chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải nhất tâm niệm Phật nguyện cầu vãng sinh. Cho nên, chúng ta phải biết rằng, nay tâm chưa tịnh, tánh lại chưa phải là Phật A Di Đà, thì đừng sinh tâm ngã mạn tự cao, chê bai Chánh pháp, chê lời Phật dạy, chê lời Tổ dạy, lý thuyết ngụy biện chỉ mang thêm tội lỗi vào thân miệng ý mà trôi lăn trong vòng ác đạo. Không ít người có tâm ngã mạn tự cao, mắc bệnh không tưởng, nên tự cho mình là kẻ siêu việt vượt hơn các bậc tiền bối, khinh khi thầy tổ, chê bai lời Phật và Bồ tát, hủy diệt mất chánh tín, làm bạn với ma vương, cuối cùng cũng chỉ rơi vào con đường sinh tử. Liên Trì tổ sư có dạy: “Thời mạt pháp, tín tâm của bậc xuất gia có khi không bằng hàng nam cư sĩ, và phần nhiều hàng nam cư sĩ tín tâm không bằng nữ cư sĩ”.
Đúng vậy, chúng ta học cho nhiều, hiểu biết cho nhiều dễ rơi vào một trong tám nạn, đó là thế trí biện thông, đôi khi chúng ta lấy mớ hiểu biết của mình để rồi đi thắc mắc điều này, nghi ngờ điều kia, để chúng ta hiểu được một khái niệm mơ hồ nào đó, về một thế giới nào đó, chính cái này sẽ trở thành sở tri chướng cho chúng ta. Cái biết đó sẽ làm cho ta chướng ngại đến niềm tin, đánh mất lòng tin, thật là nguy hiểm vô cùng.
Tại sao Tổ Liên Trì nói: “Thời mạt pháp tín tâm của người xuất gia có khi không bằng hạng nữ cư sĩ”? Vì hàng nữ cư sĩ họ không cần lý thuyết suông, không cần ngụy biện để chứng tỏ ta là người học rộng hiểu nhiều, mà chỉ tín tâm vào lời Phật Tổ, vào sự tu trì nên đạo hạnh ngày càng tăng trưởng một cách mau chóng, và sự nghiệp vãng sinh có phần cao hơn. Chỉ trừ những kẻ phước mỏng tội dày, nghiệp chướng sâu nặng, mới dễ bị lôi cuốn vào các pháp môn khác bỏ đi pháp môn niệm Phật vi diệu mà trước đây họ đã từng tu niệm. Vì nghiệp trần quá nặng nên bỏ Phật chạy theo trần cảnh ma nghiệp, ham vui nhất thời, ưa chuộng danh tiếng, mê theo lý thuyết mà bỏ đi sự tu, mê cảnh không tưởng bỏ bê giác tánh; ngày tháng chần chừ, chỉ mang lại cho tâm thần rối loạn, đầu óc ngơ ngơ ngẩn ngẩn, như người mất trí, Phật Phật ma ma, tâm thần bất định, có khi tâm trí cuồng loạn, nên sinh tử luân hồi cũng vẫn là con đường mở rộng để đón chờ.
Thương thay! Vì một chút đánh mất tín tâm đối với pháp môn tu mà muôn đời trầm luân nơi sinh tử đau khổ.
| ||||||||
|
Tin cùng loại cũ hơn
- Có những tội lỗi tích lũy mà nhiều người đã phạm phải
- Luật Nhân Quả
- Quả Của Nghiệp
- LỜI PHẬT DẠY VỀ THỜI GIAN - NGHIỆP BÁO
- video ảnh - Phật Ân Tự . Xuyên suốt 1/3 Thế Kỷ - phần cuối
- Những vụ “hôi của” của người Việt làm “rúng động” dư luận quốc tế
- Lại “hôi của” tập thể, công an bất lực đứng nhìn
- SỰ KIỆN BÌNH LUẬN
- video ảnh - Phật Ân Tự . Xuyên suốt 1/3 Thế Kỷ - phần 2
- video ảnh - Chùa Phật Ân - Lần thứ hai phục vụ cơm chay miễn phí