Tu trong các oai nghi
Đăng ngày: 30/12/2013 21:15..Trên bước đường học đạo và hành đạo,
chúng ta cần phải khiêm tốn,
chín chắn và nỗ lực không ngừng...
Ngày xưa Tổ Khánh Anh ở chùa Phước Hậu Trà Ôn sống thật giản dị, ngài hòa đồng với tăng chúng làm tất cả việc mà vẫn tỏa sáng giới đức nên mọi người đều quí kính. Phật tử về chùa thường thấy Tổ mặc cái quần tiều dài khỏi đầu gối một chút thôi, ở trần, móc mương. Chùa nằm cạnh dòng sông Hậu, nên đất trong chùa có những mương nước. Phật tử về thăm Tổ luôn gặp ngài dọn dẹp ngoài vườn hay móc mương. Nhưng họ kính nể Tổ như một vị Phật vậy. Chúng ta bây giờ làm việc hành chánh, không ăn mặc lam lũ như Tổ, nhưng niềm quí kính của Phật tử đối với mình kém hơn chư Tổ ngày xưa. Điều đó cũng đúng thôi. Bao giờ cũng thế, đời sống vật chất càng cao thì đời sống tâm linh càng thấp. Cho nên đã là tu sĩ, chúng ta nên chú trọng đến công phu tu hành, chú trọng đến nội tại hơn là hình thức bên ngoài.
Cổ đức có nói “nhân vô thập toàn”, nghĩa là không ai hoàn toàn cả, không ai được mọi người một bề kính trọng hoặc một bề chê bai. Kể cả đức Phật là vị giáo chủ của chúng ta vẫn có kẻ phản đối, thậm chí chửi mắng ngài nữa. Cho nên câu “nhân vô thập toàn” gần như là chân lý. Tuy nhiên với người tu chúng ta phải cố gắng sửa mình cho hoàn bị. Hoàn bị để làm gì? Để trước tiên bản thân được tốt đẹp an vui, từ đó song hành nhiệm vụ đối với đạo, trọng trách với giáo hội, với người sau. Hướng dẫn Phật tử tu hành theo chánh pháp, đó là cách đền ân của người con Phật.
Lại có câu nói này nữa: “Đem pháp đến người thì rất khó, đem người đến pháp thì dễ hơn”. Thế nào là đem pháp đến người và thế nào là đem người đến pháp? Đem pháp đến người là người ta không thích mình, không nghe mình mà cứ nói hoài, làm cho người bực bội phiền não. Dù mình nói đạo lý hay, hùng biện giỏi mà người không chịu nghe thì càng nói càng mang họa, đào thêm hố sâu giữa mình và người. Đây gọi là đem pháp đến người thì khó.
Thế nào là đem người đến pháp thì dễ? Nghĩa là có duyên với nhau chúng ta đưa người đến với Phật pháp, người kia thấy phát tâm, người ta cần mình giúp đỡ hướng dẫn nên dễ. Rõ ràng có những người từ phương trời nào mình không biết, nhưng do có duyên họ có cảm tình và đến với đạo. Những người như thế, chúng ta nói pháp, hướng dẫn họ tu hành rất dễ. Đây gọi là đem người tới pháp thì dễ.
Trên bước đường học đạo, tu đạo và hành đạo, chúng ta phải khiêm tốn, chín chắn và nỗ lực không ngừng. Nếu không như thế việc tu hành khó tiến mà còn gặp trở ngại nữa. Những vị có trách nhiệm nặng nề như trụ trì phải tu nhiều hơn. Có nhiều việc làm cho mình mất ăn mất ngủ, nếu không có công phu tu tập, chúng ta không làm chủ được nên cứ bị giặc phiền não vây khốn. Phật sự sẽ biến thành ma sự. Người tu ví như kẻ đã leo lên lưng cọp, không nói hay nói dở gì cả, chỉ còn có nước phải cưỡi thôi. Nếu rớt xuống nó sẽ xơi mình. Chúng ta cũng thế, đã tu thì phải tu cho tới nơi tới chốn, bằng không quay lại làm kiếp trâu ngựa trả nợ đàn-na tín thí, rất đáng kinh sợ. Cho nên ta chỉ để tâm vào một chuyện tu hành, bất cứ ở đâu, lúc nào. Tu trong bốn oai nghi, chứ không phải chỉ tu khi tụng kinh, ngồi thiền.
Trong phạm vi bài giảng này, tôi muốn được chia sẻ cùng chư huynh đệ cách tu trong bốn oai nghi.
1. Đi: Hồi xưa lúc còn bé thơ mình biết đi chập chững có cha mẹ hoặc anh chị dìu dẫn. Trong lúc đi như vậy nếu mình nhảy, mình phóng, cha mẹ anh chị mừng biết bao nhiêu. Nhưng bây giờ tới lúc chúng ta lãnh trách nhiệm trụ trì như thế này, vừa đi vừa nhảy nhót thì chắc là không ai mừng. Không đợi đến trụ trì, mà bắt đầu vào đạo, phàm là sa-môn thì phải đầy đủ oai nghi tế hạnh, để làm mô phạm cho người sau. Đi trong tư thế bình tĩnh nghiêm trang, đầy đủ tư cách của người phẩm hạnh, có đạo đức, là bậc thầy của chúng nhân thiên. Do vậy chúng ta đi không có oai nghi thì người ta không chịu. Một vị tăng trẻ tuổi, học giỏi, có bằng cấp cao, mà đi với người khác phái cũng trẻ nữa thì Phật tử không tin, không hài lòng, họ sẽ dị nghị. Nhưng không phải mình sợ cái dị nghị đó, mà sợ mình không giữ được niệm chân chính thôi. Lại nữa, nếu sự dị nghị nhiều quá, huynh đệ sẽ không làm được Phật sự đâu. Cho nên phải biết đi trong chánh niệm, đi trong niềm tin của mình và mọi người.
Bậc chân tăng thể hiện cung cách của mình qua từng bước đi, từng cử chỉ, từng ánh mắt. Đây là những điều rất cần thiết, hiện thực trong đời sống của chúng ta. Làm sao trong mọi việc ta đừng phiền não, đừng để tâm chân thật bị vọng tưởng chen vào. Thật ra chân tâm không có gì che ngăn được. Nhưng những hình ảnh, sự việc lăng xăng bên ngoài chen vô nhiều quá, làm cho ông chủ không hoạt bát được. Tâm thể chúng ta giống như bị lẩn khuất, chớ không phải nó mất đi. Cho nên đuổi được giặc phiền não, làm cho ông chủ bên trong linh hoạt trở lại thì ta an ổn.
Cổ đức dạy: Nếu trong lúc đi, tâm khởi phiền não thì nên biết rõ tâm và tất cả pháp đều không thể được. Chữ “không thể được” ở đây là không có một thực thể, không gì có thể nắm bắt được. Thì tự nhiên vọng niệm dứt, đó là tu chỉ. Khi đi phải biết do tâm khiến thân động nên có tới lui, thành tướng đi. Nếu trong lúc đi có các thứ phiền não sanh khởi liền phải phản quán tâm trong khi đi không có tướng mạo, người đi và tất cả pháp trong khi đi rốt ráo rỗng lặng, đó là tu quán trong khi đi.
Nói gọn lại là làm sao chúng ta đừng nuôi dưỡng phiền não trong khi đi. Chúng ta thư thái an nhiên thì đúng, còn tồn đọng một cái gì là thua. Thua ai? Thua phiền não, thua vọng tưởng. Người xưa nhắc đi trong trạng thái an nhiên bình thản. Chúng ta biết rằng từ tâm khởi niệm đi nên thân động, ta sắp đặt đi vì việc gì, theo đó mà có hành động đi. Cho nên đi là tuỳ tâm sanh. Mỗi ngày chúng ta đều có sự sắp đặt. Ví dụ sáng nay mình đi đến trụ sở Ban đại diện Phật giáo huyện làm gì đó, rồi trưa về chùa, chiều có việc khác. Quý thầy lái xe đi, khi đi chỉ biết đi, đi trong chánh niệm thì đúng. Ngược lại, đi mà để chuyện khác xen vô là sai, là có hại. Tại sao hại? Đi mà hai ba niệm xen tạp, không chuyên nhất. Do không chuyên nhất nên tới ngã ba ngã tư, xe người ta chạy lên mình thấy chạy xuống, xe chạy xuống mình thấy chạy lên, hoặc cần thắng mà mình cứ phóng tới… là chết.
Nói tới đây tôi nhớ lại chuyện hồi xưa ở Huệ Nghiêm. Sau khi quí Hòa thượng nghỉ, các ngài giao cho chúng tôi một chiếc xe Lambro để đi học ở đại học Vạn Hạnh. Mấy thầy tự học rồi lái thôi, không có bằng cấp. Chiều hôm đó một số anh em xách xe chạy xuống cô nhi viện Diệu Quang. Lúc đi thì không có chuyện gì. Khi về tới cổng Huệ Nghiêm, anh tài xế hỏi đám ngồi sau nhìn coi có xe không? Đằng sau la lên không, đằng trước quanh. Vừa quẹo một cái, xe zeep Mỹ ở đâu nó bang ngang xe mình, chiếc Lambro quay không biết mấy vòng, kiếng trước xe nát bét. Tôi ngồi sát góc kế thầy tài xế. Đứa nào đứa nấy xanh hồn, không biết mình đang ở đâu. Tới chừng hoàn hồn nhìn lại thấy chiếc xe zeep bay xuống ruộng nước. Mấy ông Mỹ xách súng chĩa lên. Mình bị tai nạn sợ muốn chết, mà mấy ổng còn chỉa súng vô mình nữa, không biết chuyện gì xảy ra. Đã vậy không có đứa nào biết nói tiếng Mỹ. Cũng may tài xế xe zeep biết nói tiếng Mỹ. Ông hỏi chúng tôi:
- Mấy Thầy chạy xe kiểu gì vậy?
Tụi này xanh mặt, không biết trả lời làm sao. Một hồi, có Thầy nói:
- Tôi ngó lại đâu thấy anh. Anh chạy nhanh quá.
Mà thiệt là xe họ chạy nhanh, chạy gần mình quá. Cho nên ngồi đằng sau năm sáu thầy, không ai thấy hết. Tới chừng đụng ầm một cái, cũng không biết ở đâu nó đụng tới. Xe mình đằng sau nát, kiếng trước bể tanh bành, vậy mà đặc biệt không thầy nào bị thương tích, chỉ anh tài xế chảy máu chút đỉnh thôi. Mấy ông Mỹ đưa súng lên, một đám thầy chùa ngơ ngác không biết gì, mấy ông thấy ngồ ngộ vác súng đi vòng vòng rồi hạ súng xuống, khiêng xe lên đi tiếp. Xe họ không bị hư gì, chỉ lủi xuống bùn dơ nhèm vậy thôi. Cũng may, hôm đó ông tài xế biết tiếng Mỹ rất tốt. Ông hỏi thăm quí Thầy có sao không, rồi thông dịch lại cho mấy ông Mỹ. Cuối cùng mấy ông Mỹ cười, kéo xe lên đi.
Về tới viện đâu có yên, chiếc xe thảm hại, bây giờ ai ra tiền sửa? Ban giám đốc đem về mới toanh, chạy chơi một chút mà nó tan nát như vậy. Tối lại, ông này đổ thừa ông kia, nói anh không có niệm thân. Hỏi niệm thân là sao? Biểu nhìn lại mà anh ngó ở đâu, xe người ta chạy tới nơi mà nói không có. Thấy chưa, vừa quanh qua là nó tong mình liền. Ối cha! Nói qua nói lại một hồi, đứa nào cũng như đứa nấy, chẳng có ai niệm thân, chẳng ai có một đồng xu để sửa xe. Lo mà sám hối Ban giám đốc thôi.
Trong kinh A-hàm có bài kinh nói về niệm thân. Là người tu, trong mọi tình huống, lúc nào chúng ta cũng phải niệm thân. Niẹâm thân là thân làm gì mình biết rõ việc ấy. Thân và tâm không tách rời nhau. Về oai nghi đi chư tăng ở đây đã nắm rồi, chúng ta đi không để mất oai nghi, không thể vừa đi vừa chạy, vừa nhảy. Đi như vậy gọi là không niệm thân hay không chánh niệm. Chúng ta đi làm sao lúc nào cũng tỉnh sáng, biết mình đang đi, có thế mới đúng với oai nghi của một chân tăng.
2. Đứng: Đứng là dừng lại. Do tâm khiến cho thân đứng. Bởi thân do tâm sai sử nên tâm bảo đứng thì đứng, tâm bảo đi thì đi. Nên biết tâm này trọn không thể được, rốt ráo không tịch. Vì vậy trong lúc đứng, tâm khởi phiền não thiện ác hay vô ký liền tự lui tan, đó gọi là tu chỉ quán trong khi đứng.
Theo Tổ dạy hình ảnh đứng ở đây là dừng lại. Đứng yên với một tâm tĩnh lặng, dừng hết mọi vọng tưởng điên đảo thì còn gì an lạc bằng. Vì vậy trong lúc đứng, tâm ta không khởi loạn động, không phiền não, không vô ký, tỉnh táo sáng suốt. Nói về lý thì như thế, còn luận về sự thì chúng ta đứng thế nào cho hợp pháp, đứng ngay thẳng đàng hoàng, không nghiêng ngả, không chống nạnh, đứng trang nghiêm mà vẫn thấy thoải mái bình an, như vậy mới thể hiện tròn đầy uy nghi, tư cách của một người thầy, một Thiên nhân chi đạo sư. Chúng ta không dám nói lớn “là thầy trời người” như thế, nhưng quả nhiên mình là Điều ngự tử chứ gì. Điều ngự tử là con của Phật, nhất định phải giống Phật ít nhiều! Phật nói chúng sanh là Phật sẽ thành, đó là niềm tự hào của mình. Nhưng trước khi thành Phật chúng ta phải học và hành cung cách, uy nghi của Phật. Tăng sĩ mang màu áo của Phật thì phải nói lời Phật nói, sống theo hạnh Phật hành. Như vậy mới Thích tử Như Lai.
3. Ngồi: Ngồi có nhiều kiểu, nhưng là tăng thì phải ngồi như thế nào? Hòa thượng Trúc Lâm thấy chư tăng ngồi không có oai nghi, Ngài quở: “Mấy chú ngồi như vậy không giống người tu”. Cụ không nói gì nhiều, không phạt quỳ hương, chỉ nhắc nhở thế thôi. Có dịp cụ giải thích ngồi nhịp chân, ngồi chữ “ngũ” là thế ngồi của quan quyền, hào phú, ngồi cho thiên hạ ngán. Còn mình là người tu, người khất sĩ xin pháp của Phật, xin thức ăn của đàn-na tín thí để sống và hành đạo, thì có gì cho thiên hạ ngán, mà phải thể hiện qua những kiểu ngồi không phải của người tu? Sự thể hiện của người tu là đạo đức, trí tuệ, từ bi, chứ không thể hiện bằng những hình thức thế gian. Do đó lúc thụ trai, ngồi học, tiếp khách hoặc cả những lúc ngồi một mình, nếu cụ thấy thiền sinh nào trong thiền viện ngồi tréo chân là cụ không chịu. Ngồi chữ ngũ là một chân để dưới, một chân kéo lên hình vòng cung, ngồi lắc lư, ngồi nhịp đùi… cụ cũng không chịu. Cụ nói mấy chú ngồi phải có oai nghi.
Có một kiểu ngồi thiên hạ la trời la đất, nhưng mình cũng phải ngồi, đó là ngồi thiền. Ngồi một tiếng rồi lên hai tiếng, chân tréo ngoe như vậy nó đau dữ dội, nhưng phải tập ngồi cho được. Trái lại với hồi mình vừa chập chững lớn lên, mới biết đi. Thời gian ấy mà cứ tréo chân ngồi hoài chắc cha mẹ rầu lắm, không biết nó bị sao đây. Cha mẹ muốn con mạnh khỏe, nó nhảy nhót lăng xăng, không hề nghĩ con mình ngồi hoài như vậy. Nhưng bây giờ phải ngồi. Càng tĩnh tọa lâu chừng nào càng quí chừng ấy.
Đức Phật trước khi thành đạo, ngài đã ngồi dưới cội Bồ-đề suốt 49 ngày đêm, ngồi kiểu như thế. Do đó ngồi thiền là pháp tu gốc của Phật giáo. Nhưng xét kỹ pháp tu nào trong nhà Phật cũng phải ngồi. Cho tới thời khoa học hiện đại đây, người ta dùng thế ngồi liên hoa tọa để chữa trị những bệnh nan y. Hiện tại thế giới đang hướng về Phật pháp, ngưỡng mộ pháp tu thiền, vì pháp tu này có thể giúp họ điều trị thân bệnh cũng như tâm bệnh. Ngồi được thế liên hoa thì giảm hoặc hết nhiều bệnh. Do đâu? Do cơ thể được điều hòa, cộng thêm thuốc men và chế độ ăn uống, tự nhiên mạnh thôi.
Quả thực như thế, bằng những kinh nghiệm hết sức khiêm tốn, chúng tôi thấy càng ngồi càng vững vàng ra. Khi chúng ta điều hòa được thân tâm rồi, vượt qua những đau nhức thông thường của cơ thể, sẽ có những trạng thái an lạc rõ rệt. Giả như chúng ta ngồi bình thường vẫn giữ thế liên hoa thì càng hay. Tôi có nhiều bạn hữu khất sĩ, các sư luôn luôn ngồi tréo chân lên, dù là ngồi tiếp khách hay ngồi chơi. Tôi hỏi sư Năng trên núi:
- Sư tập bao lâu mới ngồi được như vậy?
Sư đáp:
- Chỉ khoảng vài tháng thôi.
Tôi nói:
- Sao Sư hay vậy?
Sư nói:
- Có gì đâu. Khách đến thăm tôi cũng tréo chân. Ngồi chơi với huynh đệ tôi cũng tréo chân. Nghe sư phụ giảng tôi cũng tréo chân. Riết thành quen. Tréo chân lên ngồi trong lúc tiếp duyên xúc cảnh còn ít đau hơn ngồi thiền nữa đó. Tại vì mình lo tập trung vào công việc, không để ý tới cái chân. Ngồi tréo chân tiếp khách có khi hai tiếng đồng hồ không thấy đau. Cơn đau qua hồi nào mình không biết. Nhiều lần như vậy tự nhiên thành quen.
Đây là cách ngồi của các thầy áp dụng trong mọi sinh hoạt để tăng tiến thế liên hoa. Giới Phật giáo dùng thế ngồi này để biểu trưng sự vững vàng, đầy đủ uy nghi của người tu Phật. Đi thì động, đứng cũng bất an, chỉ có ngồi là ổn nhất. Vậy mà chúng ta ngồi không được nữa thì chẳng biết phải làm sao!
4. Nằm: Thật ra nằm để tu thì khó lắm. Nằm ngủ thì có. Nằm rất dễ sanh phóng túng buông lung. Nằm nói chuyện này chuyện kia, năm trên năm dưới thì không sao, chứ nằm tu là ngáy liền. Cho nên chỉ có những bậc hoàn toàn làm chủ mới tu được trong khi nằm. Các ngài muốn ngủ thì ngủ, muốn thức thì thức, tự tại trong tất cả oai nghi, tất cả pháp, nên các ngài nằm tu được. Chúng ta hễ nằm là ngủ, là vọng tưởng thì xin đừng bao giờ chọn cách tu nằm. Do đó trong luật dạy người tu không được nằm ngửa, không được nằm nghiêng bên trái, chỉ được nằm nghiêng bên phải mà thôi. Đó là thế nằm kiết tường, đúng pháp.
Cách dạy của chư tổ hồi xưa vừa đẹp vừa thích nghi với khoa học. Tại vì nằm nghiêng bên trái sẽ đè lên tim, ngủ dễ chiêm bao hoặc bị tê cứng. Dân quê nói là ma đè. Ma quỷ nào mà đè mình, chỉ có mình đè lên trái tim, nó bị nghẹt đây nè. Nằm lâu như thế nó sẽ tê cứng, mình la không được rồi nói ma đè. Ngủ mà hai chân không thẳng không suôn, sắp đặt không có trật tự thì bị ma đè, chạy không thoát. Vì vậy chỉ có thế của đức Phật nằm như trong kinh Di Giáo nói là xoay mặt gác lên tay phải, tay trái xuôi dài theo chân. Đó là thế nằm đẹp và tốt nhất.
Tóm lại, trong bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, chỉ có thế ngồi là an ổn nhất, có thể phát huy được Tăng tướng và biểu trưng tinh thần tu hành tốt nhất. Còn những thế khác chúng ta nắm vững nguyên tắc để uy nghi không bị tổn giảm. Ở đây chỉ nói qua như thế, phần chi tiết oai nghi tất cả chúng ta đều đã được học trong luật hết rồi.
Chúng sinh đối với thân thể này là do nghiệp báo mà cảm nên. Nếu hoàn toàn không cho nằm ngủ thì tinh thần bị suy kiệt, làm sao có thể tu hành được, vì vậy phải nằm. Nhưng khi nằm cần phải thúc liễm thân tâm, chớ buông lung chạy theo vọng tưởng hoặc chìm trong việc ngủ nghỉ. Chữ “thúc” giống như bó buộc lại, chữ “liễm” như trói cột. Thúc liễm là khép mình vào một cái khuôn, không để chạy lung tung ra ngoài. Trong các oai nghi chúng ta luôn thúc liễm thân tâm thì việc tu mới tốt đẹp. Do điều kiện thân thể phải được nghỉ ngơi, vì vậy người tu cũng nằm ngủ. Nhưng nằm ngủ trong tinh thần tỉnh giác, không được vùi mình trong ngủ nghỉ. Nên nhớ ngủ cũng là một trong năm dục, chúng ta cần dè dặt với nó. Cho nên chư Tổ dạy khi nằm do nhọc nhằn nên tâm mê mờ buông lung theo sáu tình, nhân đó mà các phiền não phát sinh. Khi ấy liền phải quán tâm, trong khi nằm không có tướng mạo, nên biết người và tất cả pháp rốt ráo rỗng lặng.
Trong từng oai nghi, cổ đức luôn luôn nhắc chúng ta phải nhớ tu, lúc nào cũng nhớ các pháp không thật, thân này không thật, vọng tâm là bóng dáng tiền trần cũng không thật. Tâm không thật, thân không thật, cảnh không thật nên không có chỗ để bám, gọi là bất khả đắc. Tâm thể vốn rỗng rang sáng suốt. Người sống được như vậy, luôn niệm thân như vậy thì tâm thể hiện tiền.
5. Làm việc: Tất cả chúng ta mỗi người mỗi việc, không ai rảnh rang cả. Việc đạo, việc đời, công tác liên hệ… đủ thứ việc. Cho nên thiếu sự tỉnh giác, thiếu công phu rất dễ sanh phiền não. Người biết dụng công luôn tu được trong mọi hoàn cảnh. Tuy khó nhưng chúng ta khéo bảo nhậm, thường kiểm soát ba nghiệp của mình, không để thô xuất. Muốn thế bình nhật phải tinh cần, trong tâm luôn nhớ tu là chánh, công việc chỉ là phương tiện. Có thế mới không mất mình khi chúng ta làm việc.
Ngày xưa trong tòng lâm, tự viện, vị trụ trì chỉ có chăm sóc hướng dẫn đại chúng việc tu học, bây giờ còn có công tác Giáo hội, rồi mối quan hệ với Phật tử… Cho nên các vị hữu trách trong Giáo hội cũng như tự viện rất bận rộn. Nếu không vững chãi, công việc sẽ cuốn hết thời gian tu tập của chúng ta. Cuối cùng nhìn lại, mình cảm thấy việc tu không như lòng mong đợi, dễ sanh phiền muộn. Như vậy không tốt, không tăng trưởng công đức, đôi khi còn tổn giảm. Chư huynh đệ phải hết sức chú trọng về điều này để cân phân công việc sao cho lúc nào chúng ta cũng tu được, không cảm thấy mất mát công phu. Có thế mới đúng với phẩm cách và đời sống của một chân tăng.
6. Nói năng: Người xưa nói Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập. Họa tùng khẩu xuất là tai họa từ cái miệng mà ra. Bệnh tùng khẩu nhập thì dễ hiểu quá. Mấy bữa nay trời bão lạnh, vị nào bao tử yếu, chiều ăn xoài sống rồi uống nước lạnh vô thì biết, chở cấp cứu không kịp chứ chẳng ít đâu. Đó là bệnh tùng khẩu nhập. Đủ biết sự trọng yếu của nói năng như thế nào.
Vì vậy việc tu chỉ quán trong khi nói là điều rất cần thiết. Tu chỉ trong khi nói là lúc nói nên nghĩ như thế này: ta nay vì việc gì muốn nói? Nếu tuỳ thuận phiền não luận bàn những việc ác, vô ký v.v... thì không nên nói. Nếu vì việc thiện lợi ích thì nên nói. Nếu khi nói liền biết nhân lời nói này mà có tất cả pháp phiền não thiện ác v.v… Biết rõ tâm và tất cả pháp phiền não thiện ác v.v... trong khi nói đều không thể được thì tâm vọng niệm liền dứt, ấy gọi là tu chỉ. Khi nói năng chúng ta cần biết rõ trong sự tỉnh giác. Nói ra lời gì mình biết lời ấy không phải lời ác, lời này có ích lợi cho chúng sinh. Nói ra lời gì, dù là mang lại lợi cho mình rất lớn nhưng có hại cho người thì không nói. Đó là tu chỉ trong nói năng.
Hoặc nhân khi nói mà phiền não phát sinh, liền quán trở lại, khi nói ngôn ngữ không có tướng mạo, người nói và tất cả các pháp trong khi nói rốt ráo rỗng lặng, đó là tu quán. Tu quán là quán chiếu lời nói. Quán chiếu như thế nào? Quán chiếu lời nói đó không thật, cái miệng nói ra không thật, đối tượng nghe cũng không thật. Chúng ta thấy rõ ràng không có gì thật cả, nhờ thế tâm rỗng rang sáng suốt. Quán chiếu lại bộ phận nói năng, hồi còn nhỏ âm thanh của mình ấm, lớn lên rụng vài cái răng thì giọng nói không còn ấm như thuở nhỏ nữa. Rõ ràng các pháp không cố định, không thật. Phật đã dạy như thế. Cho nên chúng ta không nên vướng mắc, câu chấp ở lời nói làm gì. Hiểu như thế sẽ không có phiền não phát sinh khi nghe những lời nghịch nhĩ. Do đó lòng rỗng rang.
Tóm lại phần làm việc và nói năng, thấy rất thông thường nhưng lại là chỗ khó dụng công phu nhất. Vì vậy, muốn việc tu tập thành tựu viên mãn, chúng ta không thể lơ là trong các oai nghi, luôn chỉnh đốn điều phục thân tâm an ổn, thanh tịnh. Như vậy mới không luống uổng một đời tu.
Ở thế gian mang thân giả huyễn này là cũng nhiều đời tạo các nghiệp báo, nay phải trở lại tạm mượn tứ đại trong ngoài vay trả trả vay. Vì vậy trọn ngày vật lộn với việc cơm áo, duyên theo trần cảnh, tâm thường bất an, muốn ngồi yên tu tập thật là việc khó. Vì vậy để việc dụng công phu không bị gián đoạn, hành giả cần phải biết cách tu tập ngay trong tất cả các thời, tất cả các cảnh, tất cả mọi động tác. Được vậy lâu ngày công phu thuần thục mới có thể được tự do tự tại khi tiếp duyên xúc cảnh. Do đó mà có pháp tu chỉ quán khi trải duyên đối cảnh. Đây quả thực là một phương tiện thiện xảo của người xưa, không để cho kẻ sơ phát tâm bị gián đoạn công phu vì ngoại duyên. Thế nên chúng ta cần phải hiểu rõ và ứng dụng các pháp tu này để trợ giúp cho việc hành thiền luôn vững tiến trong mọi hoàn cảnh.
Chư tổ, chư vị thiện hữu tri thức luôn đem kinh nghiệm tu hành nhắc nhở, cảnh sách chúng ta làm sao trong mọi công việc, đối với ngoại duyên chúng ta giữ được nề nếp tu hành, tăng tiến đạo lực. Chư huynh đệ luôn nhớ đến phẩm cách của một bậc chân tu xuất gia, thầy của tứ chúng. Đó là phần thân giáo. Thân giáo rất quan trọng, vì thân giáo gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Các vị Hòa thượng tôn túc thường ít nói. Các ngài không thăng tòa thuyết pháp, chỉ sinh hoạt bình thường mà chúng ta nhận được từ các ngài những bài học đặc biệt vô cùng sâu sắc, cả đời mình không quên.
Chính bản thân chúng tôi đã có duyên gần gũi chư vị tôn túc, nhận được phần thân giáo của các ngài. Ví dụ trong quãng thơ ấu, chúng tôi được gần Hòa thượng Chủ tịch HĐTS Phật giáo bây giờ. Ngài có cung cách rất đặc biệt, những bài học ngài trao cho chúng tôi, phải năm ba năm sau chúng tôi mới nhận ra, thầy đã thương đã dạy mình như thế. Tấm lòng của Ngài đối với đệ tử thật bao la, thật cao cả, thật khó quên.
Khẩu giáo và thân giáo luôn đi đôi, ngôn hạnh tương ưng mới xứng đáng là sứ giả Như Lai.
Hôm nay trong mùa an cư được gặp gỡ chư tăng, chúng ta cùng nhau chia sẻ những hiểu biết, những kinh nghiệm tu tập. Để từ đó huynh đệ cùng sách tấn nhau trên con đường hành đạo ngày một tăng tiến. Với phước duyên và chủng tử lành sẵn có, chúng tôi tin chắc nếu nỗ lực hành trì như lời Phật dạy, tất cả chúng ta đều sẽ thành tựu viên mãn quả vị Bồ đề.
HT.Thích Thanh Từ
Nguồn: Thiền viện Thường Chiếu
| ||||||||
|